TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Bắc Giang được biết đến là vùng sản xuất cây ăn quả lớn ở khu vực phía Bắc. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi như nhiều vùng hoa quả đa dạng, quanh năm như vải thiều, nhãn, bưởi, cam, ổi… Những loại cây trồng này, trải đều trong năm, trong khi đó, nguồn thức ăn chính của ong là lấy mật từ các loại hoa. Hoa ra quanh năm là điều kiện thuận lợi để các hộ tận dụng nguồn thức ăn trong tự nhiên. Không chỉ vậy quá trình ong lấy mật còn góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ thụ phấn ra hoa, đậu quả cho các loại cây. Nghề nuôi ong lấy mật cũng từ đó mà ngày càng phát triển mạnh.
Hộ ông Nông Văn Thức ở thôn Cây Gạo, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế có khoảng gần 1 nghìn m2 diện tích đồi trồng cây ăn quả, trong đó chủ đạo là cây vải thiều. Từ nhiều năm trước để tăng tỷ lệ thụ phấn, đậu quả ông Thức đã tìm mua ong mật về nuôi. Khi ấy ông chỉ nuôi 5-6 đàn ong nội mục đích chính là để con ong giúp thụ phấn cho hoa từ đó quả sẽ ra sai hơn, mật thu được dùng để chăm sóc sức khỏe. Ông Thức chia sẻ, trong quá trình nuôi con ong mang lại nhiều lợi ích hơn ông nghĩ, vì diện tích để nuôi rất gọn, các thùng nuôi được ông đặt ngay trong vườn, không ảnh hưởng đến diện tích trồng cây ăn quả, chi phí đầu tư ban đầu thấp.
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, hộ ông Thức cùng một số hộ trên địa bàn xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang hỗ trợ đàn ong giống và thường xuyên phổ biến kỹ thuật chăm sóc nên quá trình nuôi ong thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Thức chia sẻ, trước khi nhận ong tôi được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn ong nên đến nay tôi cũng như các hộ khác đều làm tốt, khai thác hiệu quả.
Từ 5-6 đàn ong ban đầu, nay nhà ông Thức thường duy trì 60-70 đàn ong nội trong vườn nhà. Ông Thức cho biết, nuôi ong để khai thác mật, hiệu quả kinh tế rất cao. Một đàn ong, mỗi vụ hoa có thể cho thu hoạch 4-5 vòng quay, có những năm thuận lợi có thể được 6-7 vòng quay, mỗi vòng quay có thể đạt từ 1,2-1,5 lít mật. Vậy tính trung bình 5 vòng quay mỗi vụ thì một đàn ong cho 10 lít mật, với mức giá ổn định từ 180-200 nghìn đồng/lít mật, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng từ việc nuôi ong lấy mật. Điều quan trọng hơn cả là cũng từ việc nuôi ong mà vườn vải thiều nhà ông được thụ phấn thuận lợi và cho quả sai hơn. Dù số lượng đàn không lớn, ông Thức chỉ nuôi theo kiểu tận dụng diện tích vườn cây ăn quả nhưng mọi thứ từ xây dựng nhà cửa đến mua sắm mọi thứ trong nhà đều là tiền bán vải và mật ong, ông Thức phấn khởi chia sẻ.
Không chỉ ở xã Đồng Lạc, hiện nay mô hình nuôi ong lấy mật đang ngày càng được nhân rộng, phát triển về số lượng lẫn quy mô đàn tại nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Thế. Một số địa phương đã thành lập được hợp tác xã và có sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP như HTX Hào An xã An Thượng. Từ những hộ nuôi ong cá thể, đơn lẻ nhiều năm trở lại đây nhiều hộ đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình hợp tác xã. Như hộ nhà ông Hào, vài năm nay ngoài canh tác cây vải, gia đình ông còn canh tác hơn 1 nghìn m2 thanh long trái vụ. Vụ vải có hoa vải, hoa nhãn, hết vụ lại có hoa thanh long, hoa ổi nên đàn ong của gia đình không khi nào lo hết thức ăn. Không những vậy, các loại cây ăn quả gia đình ông trồng cũng tăng khả năng đậu quả, một công đôi việc, nhân đôi giá trị. Cũng bởi lý do này mà nhiều năm nay gia đình ông Hào luôn duy trì khoảng 50-60 đàn ong, các hộ thành viên khác của hợp tác xã cũng tương tự. Mặc dù, trước nay việc trồng cây ăn quả vẫn được xem là chủ đạo. Nhưng nhận thấy rõ lợi ích của việc nuôi ong lấy mật mà đến nay tất cả các hộ đều nuôi vài chục đàn ong. Đến nay Hợp tác xã Hào An đã có 3 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao đó là mật ong nội hoa nhãn Hào An, thanh long ruột đỏ, táo đại mật. Sau khi được công nhận OCOP, giá bán các sản phẩm không những cao hơn trước mà việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Phạm Văn Hào- HTX Hào An, xã An Thượng, huyện Yên Thế chia sẻ, chúng tôi chủ yếu là trồng cây ăn quả thế nhưng trồng cây ăn quả cũng cần đến con ong để thụ phấn nên chúng tôi thành lập hợp tác xã và có 10 thành viên tham gia. Bình quân một đàn ong mỗi năm thu hoạch được khoảng 10-12 lít mật. Hiện HTX đang bán buôn với giá 200 nghìn/lít mật ong vải, nhãn.
Trên địa bàn huyện Yên Thế hiện đang nuôi 14 nghìn đàn ong, tập trung ở một số xã như Hồng Kỳ, Tam Tiến, Đồng Lạc, An Thượng… Đây là những vùng tập trung nhiều đồi rừng và diện tích cây ăn quả lớn. Do vậy, các hộ đã kết hợp trồng cây ăn quả và nuôi ong.
Quá trình chăm sóc cũng không quá phức tạp, tuy nhiên để nuôi ong thành công thu được nhiều mật với chất lượng tốt nhất, người nuôi cần nắm vững đặc điểm sinh trưởng các bệnh hại dễ gặp, kể cả việc tạo mật, thời gian lấy mật cũng cần có kinh nghiệm và kiến thức khoa học nếu không sẽ dẫn đến tình trạng ong bị chết hoặc tỷ lệ mật đạt thấp, chất lượng không đảm bảo.
Bà Lã Thị Chắt- Trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang) chia sẻ, khi nuôi ong lấy mật, người nuôi cần chú ý chọn giống, chọn vị trí đặt đàn ong, chăm sóc và nuôi dưỡng đàn ong. Cụ thể, khi mua giống ong bà con cần mua ở những cơ sở uy tín. Đàn ong giống phải được công bố về tiêu chuẩn cơ sở; ong chúa dưới 6 tháng tuổi, không nhiễm bệnh ấu trùng; quân đậu kín 2 mặt cầu; bánh tổ mới, màu vàng và có đủ trứng, ấu trùng, nhộng, mật phấn dự trữ.
Dụng cụ nuôi ong cũng rất quan trọng, thùng và cầu ong đúng tiêu chuẩn về kích thước, (dài) 46,5 cm x 38 cm (rộng) x 24,5 cm (cao), có cửa sổ để thuận tiện khi di chuyển đàn ong. Chỗ đặt thùng ong cần bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, trong điều kiện có đầy đủ nguồn mật, phấn.
Để thu được nhiều mật trong mùa khai thác người nuôi ong cần phải có các đàn ong đông quân, nhiều ong ở tuổi đi làm, không bị bệnh, không chia đàn.
Khi đàn ong thiếu mật dự trữ người nuôi ong có thể chuyển ong đến nguồn hoa mới hoặc phải cho ong ăn đường kính. Vì vậy, người nuôi ong phải bổ sung thức ăn cho đàn ong. Nhưng lưu ý, số đợt cho ăn tùy thuộc điều kiện nguồn hoa, thời tiết nơi đặt ong, mỗi đợt cách nhau 3 đến 4 ngày và phải cho ăn đến khi các ấu trùng được vít nắp…
Để đàn ong phát triển tốt người nuôi ong cần có sổ sách ghi chép thoe dõi, đầy đủ từ khi nhập ong giống, xuất bán ong giống, quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng ong và phải có kế hoạch phòng bệnh cho đàn ong…
Ngoài Yên Thế, mô hình nuôi ong lấy mật cũng đang được áp dụng và ngày càng phát triển kể cả về quy mô lẫn chất lượng. Tại nhiều vùng cây ăn quả lớn như Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam… số lượng đàn ong ngày càng tăng, quy mô mỗi đàn cũng lớn dần. Không chỉ vậy, do đặc thù là tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên dễ chăm sóc nên hiện nay nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đưa các giống ong vào sản xuất lấy mật. Trung bình mỗi đàn ong cho từ 10-12 lít mật mỗi năm, những hộ nuôi từ 100 đàn trở lên có thu nhập ổn định lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Để nâng cao năng xuất, những năm gần đây bà con đã tìm hiều và đưa thêm các giống ong ngoại về nuôi, những loài này có thể cho năng xuất mật cao hơn hẳn và có thể đạt từ 15-20 lít mật mỗi đàn một năm. Họ chỉ cần đầu từ một lần có thể khai thác mật trong nhiều năm. Nhiều hộ ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện kinh tế rõ rệt từ nghề nuôi ong.