TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Ông Trịnh Văn Cương ở thôn Trung Phụ Ngoài, xã Lạng Giang đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi cá sang nuôi ốc nhồi đen thu cho thu nhập hơn một trăm triệu đồng mỗi năm. Ông trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Tìm hướng đi mới
Ao nuôi ốc nhồi đen rộng khoảng 3.000m² của ông Trịnh Văn Cương mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Trước khi đến với nuôi ốc nhồi đen, ông từng gắn bó với con cá. Nhiều năm nuôi cá, ông hiểu rõ những rủi ro, bấp bênh mà người nông dân phải đối mặt như giá cả thị trường không ổn định, dịch bệnh thủy sản xảy ra thường xuyên khiến nhiều vụ nuôi của gia đình ông thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn. “Có thời điểm tôi thực sự nản, cứ đổ tiền vào ao cá mà thu chẳng được bao nhiêu. Nguồn nước thì mình chủ động được nhưng thị trường thì không, cứ phụ thuộc mãi thì không ổn,” ông Cương chia sẻ.
Trước sự bếp bênh của việc nuôi cá, ông Cương quyết định tìm hướng đi mới. Bước ngoặt đến với ông cách đây 2 năm. Lúc đó, từ nhiều kênh thông tin, ông biết đến mô hình ốc nhồi đen. Đây là loài dễ nuôi, thích hợp với điều kiện ao hồ của gia đình, nhu cầu thị trường lớn, giá bán lại cao. Bởi vậy, ông quyết định thử sức với mô hình nuôi ốc nhồi đen, dù biết sẽ có nhiều khó khăn.
Ban đầu, ông Cương dành thời gian đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại các vùng nuôi ốc nổi tiếng ở nhiều tỉnh, thành. Ông khăn gói đến tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh,… để tìm hiểu về các mô hình nuôi loại ốc này. Mỗi chuyến đi, ông tích lũy kiến thức, kỹ thuật và bài học thực tế quý giá. “Thấy họ nuôi ốc thành công, tôi càng có động lực” ông Cương trải lòng.
Sau khi học hỏi được cách nuôi ốc nhồi đen, ông Cương bắt tay vào nuôi loại ốc này. Ông dùng số tiền đã tích lũy để đầu tư, cải tạo ao, đặc biệt chú trọng nguồn con giống và chế độ chăm sóc phù hợp. Chia sẻ về mô hình kinh tế mới, ông nói say sưa, “ốc nhồi đen dễ nuôi, ít bệnh, ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, không chung sống với các loài khác, như: vịt, ngan”,... Vì vậy, ốc muốn khỏe mạnh, nhanh lớn, cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều. Bởi chính những thức ăn thừa sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nước khiến ốc bị chết, mắc bệnh. Hằng ngày, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh hồ nuôi, làm sạch bèo, cỏ, dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó, mới bơm nước vào ao nuôi và duy trì mực nước cao 60-80cm để giữ độ an toàn cho ốc. Nhờ sự kiên trì và bài bản, vụ nuôi đầu tiên đã cho kết quả khả quan.
Điểm sáng về làm kinh tế
Từ thành công của vụ ốc đầu tiên, năm nay, ông Cương mở rộng quy mô. Ông cho ấp 10kg trứng ốc. Hiện tại ông đã nuôi được 2 tháng, khoảng hơn tháng nữa nếu thuận lợi, ông nhẩm tính dự kiến thu hoạch khoảng 1,5 tấn ốc nhồi đen. Với giá bán dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, ông có thể thu lãi trên trăm triệu đồng, mang lại nguồn thu ổn định, cao hơn hẳn so với nuôi cá trước đây. “Thịt ốc thơm ngon, giàu dinh dưỡng, luôn được thị trường tiêu thụ mạnh, đặc biệt các nhà hàng, quán ăn, thương lái đặt hàng liên tục. Tính ra, thu nhập cao hơn nuôi cá nhiều mà mình chủ động được mọi khâu,” ông Cương phấn khởi cho biết.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi ốc nhồi đen, ông Cương đang lên kế hoạch đầu tư thêm cơ sở vật chất để tối ưu hiệu quả chăn nuôi. Ông dự tính sẽ thay thế các cọc tre để bắc lưới đen làm mát cho ao ốc bằng cột bê tông. “Ốc nhồi ưa môi trường mát, nhất là vào mùa nắng nóng. Có giàn che mát sẽ giúp nhiệt độ nước ổn định hơn, ốc phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt giảm đáng kể. Tôi đang tính toán để đầu tư hệ thống giàn che kiên cố bằng bê tông, đảm bảo lâu dài,” ông Cương chia sẻ thêm.
Mông hình nuôi ốc nhồi đen của ông Cương đã trở thành điểm sáng làm kinh tế ở địa phương. Ông Thân Văn Cường – hiện đang công tác tại Đảng ủy xã Lạng Giang (trước đây là Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng – huyện Lạng Giang) không giấu nổi sự hào hứng khi nói về ao nuôi ốc nhồi đen của ông Cương: “Là người theo dõi mô hình của ông Cương từ lúc bắt đầu, tôi nhận thấy mô hình nuôi ốc nhồi đen của ông Cương là hướng đi phù hợp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tận dụng hiệu quả tiềm năng ao hồ có sẵn, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.”
Câu chuyện của ông Trịnh Văn Cương là minh chứng rõ rệt cho tinh thần mạnh dạn đổi mới, biết tận dụng lợi thế địa phương và không ngại học hỏi. Ông đã từng bước gây dựng mô hình nuôi ốc nhồi đen hiệu quả, mở ra hướng đi bền vững cho bản thân và cộng đồng.