TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Táo là cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhà nông cần hết sức chú ý khi bón phân để táo cho năng suất, chất lượng tốt nhất.
Táo Đài Loan cho trái to, khi chín ăn dòn, ngọt và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, để có trái táo to, mọng nước có bề mặt sáng bóng và dòn ngọt nhà nông cần hết sức quan tâm tới kỹ thuật bón phân cho cây táo
Bón phân cho cây táo giai đoạn nuôi trái cần chú ý nhiều đến dưỡng chất kali (K), vì nó là dưỡng chất quan trọng nhất cho cây táo ở giai đoạn này. Kali có tác động cao đến chất lượng trái như: Gia tăng sự phân chia và giãn nở tế bào giúp trái có kích thước lớn hơn, gia tăng năng suất, tạo độ dòn ngọt.
Kali còn xúc tác cho nhiều tiến trình biến dưỡng làm màu sắc vỏ trái đẹp hơn, hàm lượng vitamin nhiều hơn và thúc đẩy tiến trình chín của trái.
Kali cũng làm tăng cường độ quang hợp của lá, giúp chuyển vận sản phẩm quang hợp từ lá vào trái và chuyển hóa tinh bột thành đường khi trái trưởng thành nên trái ngọt hơn. Vách tế bào trở nên cứng chắc vì vậy ăn dòn hơn, việc bảo quản trái sau thu hoạch cũng được lâu bền hơn và nhất là tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Vì vậy, có thể nói kali là dưỡng chất chủ yếu trong điều khiển chất lượng trái, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Mặc dù kali giữ vai trò quan trọng như vậy, nhưng nhiều hộ dân trồng táo trong quá trình chăm sóc vẫn để cây táo bị thiếu kali ngay cả ở đất giàu kali, do bón phân không cân đối.
Ở giai đoạn nuôi trái cần bón đủ cả 3 dưỡng chất NPK, nhưng phải theo tỷ lệ nghĩa là chất lân (P2O5) có tỷ lệ thấp nhất, đạm có tỷ lệ cao, còn kali (K2O) có tỷ lệ cao nhất.
Trong bón phân có thể quan sát lá để biết tình trạng dinh dưỡng kali trong cây. Khi thiếu kali cây sinh trưởng chậm lại và có sự tái chuyển vị của kali từ lá đã trưởng thành. Do kali là nguyên tố rất di động trong cây, nên triệu chứng thiếu kali thể hiện đầu tiên ở lá già, mép lá bị hoại tử hay bị cháy khô. Nhưng khi thiếu nghiêm trọng thì cả lá non cũng bị vàng úa và hoại tử, khi bộ phận này bị hoại tử rồi thì không hồi phục trở lại dù cho có bón thêm kali.
Không giống như đạm, khi cây thiếu đạm lá bị vàng, nhưng sẽ xanh trở lại khi được bổ sung. Như vậy, trong bón phân cần phải bón đủ kali cho cây, khi thấy triệu chứng thiếu kali rồi mới bón thì cây đã bị tổn thương rồi.
Liều lượng bón có thể từ 0,5-1,5 kg/cây, tùy theo tuổi và tình trạng sinh trưởng của cây và có thể được chia ra nhiều lần bón. Cần xới đất thành băng xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, dãi băng này có chiều rộng khoảng 50 cm và sâu khoảng 5-7 cm. Nếu cây được trồng hai hàng và đã giáp tán thì xới một băng dài giữa hai hàng và băng xương cá giữa 2 cây trên hàng. Bón phân vào những băng đã xới rồi lấp đất lại. Sau khi bón nếu không có mưa phải tưới nước cho tan phân.