TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Lạc là cây trồng có nhiều ưu điểm mà các cây trồng khác không có như: chịu hạn, mức đầu tư phân bón thấp, nhất là đạm do trong rễ có chủng vi khuẩn công sinh Rhizobium có khả năng tổng hợp nito trong tự nhiên. Đặc biệt sản phẩm tạo ra từ cây lạc như thân lá, quả được chế biến phục vụ đa dạng đời sống xã hội. Tỉnh Bắc Giang hàng năm có khoảng 6.000 ha sản xuất lạc Xuân với năng suất bình quân 27,5 tạ/ha, sản lượng đạt trên 165.000 tấn. Để phát huy năng suất, hiệu quả từ cây lạc Xuân cần chú ý một số biện pháp kỹ thuật sau.
1. Thời vụ trồng lạc Xuân
Cây lạc chịu rét và hạn tốt, nhất là giai đoạn cây chưa ra hoa nên thời vụ có thể trồng kéo dài trong tháng một hai và ba. Tuy nhiên để có điều kiện thời tiết (nhiệt độ, ẩm độ) thuận lợi cho cây lạc trong suốt quả trình sinh trưởng và phát triển nên trồng lạc Xuân trong tiết Lập Xuân (từ ngày 05-21/02). Trong khung thời điểm này, khi mới trồng đón mưa xuân đủ độ ẩm, nhiệt độ ổn định từ 15-250c, ít có những ngày nhiệt độ dưới 150c nên cây lạc sinh trưởng vừa phải, ít vươn lóng, phân cành cấp 1 và 2 thấp là tiền đề để hoa lạc chui xuống đất làm quả thuận lợi. Hơn nữa với khung thời vụ này, cây lạc sẽ ra hoa trong tiết Thanh Minh ( 05-20/4), thời tiết mát mẻ, độ ẩm thích hợp cho lạc nở hoa và thụ tinh hình thành quả và hạt.
2. Kỹ thuật trồng và chăm sóc lạc Xuân
2.1.Chọn đất và làm đất
Cây lạc dễ thích nghi với nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên tốt nhất nên chọn loại đất tơi xốp, có độ ẩm cao, độ PH trên 5,5 – 7 và thoát nước tốt như đất thịt pha cát, đất thịt nhẹ.
Đất được cày sâu, bừa kĩ, dọn sạch cỏ dại. Với chân ruộng, tiến hành lên luống trồng hàng đôi, mặt luống rộng 75 – 80cm, cao 20 – 25cm, hàng cách hàng 35-40cm để đảm bảo thoát nước cuối vụ và đủ ánh sáng giúp cây lạc quang hợp tốt. Với chân bãi, đồi cao có thể trồng theo băng, mỗi băng rộng 5-6 m rạch hàng theo chiều dọc hoặc chiều ngang luống.
2.2. Chuẩn bị hạt giống
Nên chọn các giống như L14, L18, L23, MĐ7 đây là các giống có năng suất chất lượng ổn định khi trồng tại Bắc Giang; Lượng giống 220-240 kg/ha (7 -8 kg lạc củ /sào BB). Hạt giống được ngâm trong nước ấm 40 – 45 độ C trong 12 giờ, ủ cho đến khi mầm nứt nanh mới đem trồng. Tiêu chuẩn chọn giống không tạp nhiễm, không sâu bệnh, hạt to, vỏ mỏng, vỏ sáng, không bị hư hỏng, tỷ lệ nảy mầm trên 95%.
2.3. Kỹ thuật chăm sóc
- Lượng phân bón/ha: Phân chuồng hoai 8000 kg, phân đạm Ure 80-90 kg, phân Kaliclorua 80-90 kg, phân Lân 400-450 kg; Vôi hả 400-450 kg.
+Bón lót: Vôi bón lót 50% khi bừa lần cuối. 100% phân chuồng hoai, 100% phân lân, 50% ka ly và 50% phân đạm khi rạch hàng, dùng cuốc rạch hàng sâu 5-7 cm, khoảng cách hàng x hàng 35-40 cm, hàng ngoài cách mép luống 10-15 cm cây cách cây 10 -15 cm, sau khi bón phân xong lấp một lớp đất dày 2-3 cm để hạt gieo không bị tiếp xúc trực tiếp với phân, gieo 1hạt/hốc.
+ Bón thúc khi cây có 2-3 lá thật: dùng 50 % lượng phân Đạm urê và ka ly còn bón gốc và tiến hành xới đất, không vun để lộ 02 lá mầm, giúp cặp cành cấp 1 phát triển thuận lợi.
- Vun xới khi cây có 6-7 lá thật (sau mọc 35-40 ngày), trước khi ra hoa lần này nên xới sâu 5-6 cm giữa hàng tạo cho đất tơi xốp, thoáng khí, để rễ lạc sinh trưởng phát triển tốt, kết hợp vun gốc đón tia hình thành quả.
- Sau khi lạc ra hoa rộ từ 5-7 ngày, dùng 50 % lượng vôi hả còn lại, vãi đều vào thân, lá và gốc giúp cây lạc phát triển quả và hạt, hạn chế phát sinh gây hại một số đối tương sâu bệnh hại cuối vụ được tốt hơn.
3. Quản lý mật độ, nước tưới và sâu bệnh hại lạc Xuân
3.1. Quản lý mật độ: Sau trông từ 5-7 ngày tiến hành thăm đồng kiểm tra khả năng mọc mầm của lạc, nếu phát hiện có các vị trí lạc không mọc nên trồng dặm ngay.
3.2. Tưới nước. Sau trồng, do đất khô nên chủ động điều tiết nước theo từng rãnh, nước ngập 1/3 rãnh để ngấm tự nhiên, đây là giai đoạn cây lạc cần nước để thúc đẩy nảy mầm chia cành. Các giai đoạn sau vun xới, tắt hoa nếu thời tiết không có mưa chủ động dẫn nước vào rãnh để tưới kịp thời.
3.3. Phòng trừ sâu bệnh
Chủ động phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác tổng hợp: Bón phân cân đối, chăm sóc hợp lý, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp.
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng các giai đoạn như sau trồng có sâu xám phá cây con, bệnh chết rút do nấm; rầy xanh gây hại giai đoạn cây con đến nở hoa, để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của chuyên ngành BVTV.