TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão đã gây hiện tượng gẫy đổ cây, ngập úng trên diện rộng , ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều tỉnh phía Bắc. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với vườn cây ăn quả (cam, bưởi, ổi, táo, chanh…), giúp phục hồi cây sau ảnh hưởng của mưa, bão, bà con trồng cây ăn quả cần chủ động làm tốt các việc sau:
Một là: Với những diện tích bị ngập úng, nước rút đến đâu tiến hành rửa sạch lá, thân đến đó. Chủ động khơi thông rãnh thoát nước, hút nước, tránh để nước đọng trong vườn và xung quanh gốc gây úng cục bộ. Thu gom, tiêu hủy hoa quả bị dụng, dựng lại những cây bị đổ, nghiêng, cắm cọc giữ cây, tránh để cây bị lay động làm đứt rễ. Cắt bỏ, băng bó những cành bị dập, gẫy, cắt tỉa bớt cành, lá, quả để giảm bớt thân cành, lá, hạn chế khả năng mất nước đột ngột gây sốc, tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
Hai là: Sử dụng các dòng thuốc trừ nấm có hoạt chất kép như: Mancozeb, Propineb, Prochloraz-manganese complex, Copper Hydroxide, Propiconazole , Azoxystrobin, Difenoconazole pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất phun kỹ trên lá, thân và vùng đất xung quanh rễ cây giúp phòng trừ các chủng nấm như Phytopthora, Pusarium , Pythium gây hại rễ, thân lá, quả.
Ba là: Hạn chế đi lại trong vườn để tránh đất bị dí, làm thiếu oxy trong đất, gây hại vi sinh vật hữu ích và rễ cây. Khi đất đã ráo, trời tạnh mưa tiến hành xới phá váng (với vườn đất bị dí) trên bề mặt để tạo độ thông thoáng cho đất, cung cấp oxy cho rễ cây. Hạn chế sử dụng phân bón hóa học nhất là Đạm và Kaly khi cây đang phục hồi, tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã hoai mục kết hợp các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để chăm cây, kích thích rễ phát triển.
Bốn là: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây, phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh, hại như: Bọ trĩ, nhện đỏ, bệnh vàng lá thối rễ, sương mai, loét sẹo…khi cây phục hồi để chăm sóc, phòng trừ kịp thời, hiệu quả.