Nuôi ếch đồng bằng lồng hiệu quả cao
Lượt xem: 101  | Ngày đăng: 16/10/2024

Hiện nay có hai hình thức nuôi ếch đồng đều đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, mô hình nuôi ếch đồng bằng lồng sẽ thuận tiện cho quá trình chăm sóc ếch giúp người chăn nuôi giảm chi phí hơn so với nuôi bằng bể xi măng và tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất. Người chăn nuôi chỉ cần xử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi sẽ góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn.

Với kinh nghiệm 7 năm nuôi ếch, anh Nguyễn Duy Phước, thôn Phúc Hạ, xã Song Mai, thành phố Bắc Giang cho biết, “trong quá trình nuôi ếch chúng ta phải phòng bệnh thường xuyên, con ếch khỏe mạnh sẽ không hao hụt đầu con. Để chủ động con giống, hết vụ người nuôi chọn những con đủ tiêu chuẩn để làm ếch bố mẹ, đến khi ấm lên mình cho đẻ, tỷ lệ đẻ gần như 100%”.

Một góc khu nuôi ếch nhà anh Nguyễn Duy Phước

Mỗi năm gia đình anh Phước nuôi hai vụ ếch, vụ đầu từ tháng 5 bắt đầu có ếch giống đến khoảng hết tháng 7, vụ sau gối vụ đến hết tháng 9. Mỗi vụ anh Phước nuôi khoảng 2- 3 vạn ếch thương phẩm, với giá bán đầu vụ 55.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí lãi khoảng 60-80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, kết hợp với nuôi ếch, gia đình anh Phước có thêm khoản thu từ cá trê. Nuôi ếch kết hợp với cá là một sự cộng sinh có lợi lớn, theo cách nuôi này con cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải của ếch góp phần giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp. Cùng với nguồn thu từ ếch, mô hình còn cho thu nhập từ nuôi cá dưới ao do đó tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Sự kết hợp này không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cả hai đối tượng nuôi.

Tuy nhiên, mô hình chăn nuôi này ở Bắc Giang chưa được phát triển mạnh, theo một số người dân cho biết, họ chưa chủ động được con giống, chưa nắm bắt được kỹ thuật nên trong quá trình nuôi ếch hay bị mắc bệnh dẫn đến hao hụt đàn, kém hiệu quả.

Chị Phạm Thị Nguyệt Tâm- Phòng Khuyến nông Chăn nuôi, thủy sản (Trung tâm Khuyến nông) chia sẻ, để đem lại hiệu quả kinh tế cao trong nuôi ếch đồng bằng lồng người chăn nuôi nên chuẩn bị ao nuôi trước khi thả giống như chuẩn bị đầy đủ các bước như tháo cạn nước, hút bùn, dùng vôi để tẩy ao, lấy nước, xử lý nước trước khi thả giống. Đặc biệt, các hộ nuôi cần chú ý khi các hộ dùng vôi để té tẩy ao nên sử dụng nhiều vôi ở vị trí treo lồng giai ở vụ trước, bởi vì, trong vụ nuôi trước chất thải của ếch mắc tụ ở vị trí đặt lồng giai rất nhiều, quá trình phân hủy tạo ra rất nhiều khí độc tích tụ dưới lớp bùn dày do đó, tác nhân gây bệnh ở vụ trước còn lưu cĩu lại chính là tác nhân gây bệnh cho vụ nuôi sau, người nuôi cần sử dụng vôi nhiều mới đem lại hiệu quả của việc tẩy dọn ao.

Trong quá trình nuôi ếch ở giai đoạn một tháng đầu, các hộ nên chuẩn bị lồng có nắp đậy để giảm tỷ lệ hao hụt do địch hại gây ra.

Theo đánh giá của chị Tâm, hiện nay công tác chuẩn bị ao chưa thực hiện theo đúng quy trình dẫn đến trong quá trình nuôi môi trường nuôi bị ô nhiễm, ếch dễ bị bệnh, tỷ lệ sống thấp. Khuyến cáo bà con cần làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi như ao nuôi phải rắc vôi, phơi ao và xử lý nước. Tiếp theo, nên chọn những con giống khỏe mạnh, đồng đều, không mang mầm bệnh; các hộ nuôi nên mua giống ở các cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống và được cơ quan nhà nước cấp phép.

Khi thả giống nên thả vào lúc trời mát, không nên thả vào lúc trời nắng dễ dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống.

Bà con lưu ý, vụ mùa thả ếch từ tháng 4 đến tháng 9, trước khi nuôi nên tắm ếch giống trong nước muối 3%, chọn ếch giống 45 ngày tuổi, cỡ đồng đều từ 3-6cm, khỏe mạnh, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh, không dị tật; mật độ nuôi từ 40-60 con/m2, hoặc từ 80-100 con/m2 tùy vào trình độ nuôi. Thức ăn của ếch chủ yếu là thức ăn công nghiệp chế biến sẵn, độ đạm nhỏ hơn 3%; khẩu phần ăn trong ngày bằng 8-10% trọng lượng ếch trong ao. Tháng đầu cho ăn từ 3-4 lần trong ngày, khi lớn cho ăn hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều.

Để nuôi ếch đồng trong lồng đạt hiệu quả kinh tế cao, theo chị Phạm Thị Nguyệt Tâm, định kỳ các hộ nuôi nên sử dụng men tiêu hóa và vitaminC trộn vào thức ăn cho ếch; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước trong ao nuôi. Hai tuần một lần các hộ xác định khối lượng, trọng lượng ếch để tính khẩu phần ăn phù hợp nhất cho ếch. Ở giai đoạn nuôi tháng thứ nhất các hộ phân đàn, tách đàn để ếch có sự đồng đều, tránh hiện tượng ếch lớn cắn ếch nhỏ.

Các hộ nuôi nên thực hiện đúng quy trình nuôi, các hộ không sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh, bởi vì khi sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh cho ếch dễ dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc; nếu ếch đã bị bệnh thì sử dụng thuốc kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả nữa. Lưu ý, trong suốt vụ nuôi ếch bà con nên sử dụng men tiêu hóa, vi tacminC bổ sung vào thức ăn cho ếch, đòng thời dùng men vi sinh xử lý nước ao. Khoảng hai tuần một lần cân ếch để đánh giá trọng lượng trung bình cả đàn để làm cơ sở tính chế độ ăn và chăm sóc hợp lý. Giữ mực nước trong lồng từ 10-30cm, nếu có điều kiện che mát và phun tưới nước vào lúc trời nắng thì mực nước chỉ cần giữ ngập 1/2 - 2/3 thân ếch; thường xuyên quan sát chất lượng nước và kịp thời thay nước khi cần thiết trong quá trình nuôi nhất là trong tháng đầu cần tách từng loại ếch lớn nhỏ sang từng lồng riêng để dễ chăm sóc để tránh hiện tượng chúng chia thành bầy đàn, con lớn cắn con nhỏ gây hao hụt về số lượng

Những năm gần đây mô hình nuôi ếch lồng kết hợp nuôi cá là một mô hình khá mới đem lại hiệu qủa kinh tế cao, không những vậy còn làm đa dạng hóa hình thức chăn nuôi thủy sản nước ngọt. Mô hình này dễ thực hiện, lợi nhuận cao và có thời gian quay vòng nhanh, phù hợp với các gia đình có diện tích đất nhỏ hẹp. Nuôi ếch bằng lồng kết hợp với nuôi cá sẽ giảm thiểu được ô nhiễm môi trường nước. Việc tận dụng được thức ăn dư thừa của ếch để làm thức ăn cho cá. Nuôi ếch thương phẩm không khó nhưng cũng có nhiều rủi ro, điều quan trọng là người chăn nuôi phải nắm được kỹ thuật và chịu khó quan sát, biết được đặc tính sinh học và cách phát hiện, phòng trị một số bệnh thường gặp của ếch như bệnh lở loét ở chân, đường tiêu hóa, phù mắt, mủ gan… Do vậy, người nuôi thường xuyên kiểm tra theo dõi quá trình phát triển của ếch, không để nguồn nước trong ao nuôi ô nhiễm, tăng cường các khoáng chất, đề kháng và cân đối lượng thức ăn hợp lý, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Hương Giang
TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên