TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Khác với mọi năm, dịp tháng 6 năm nay thời điểm thu hoạch rộ vải thiều chính vụ, đến “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Bắc Giang đường đi lại thông thoáng, không có nhiều cảnh tấp nập vận chuyển vải đến các điểm cân mua.
Tìm hiểu thực tế từ các nhà vườn, năm nay vải thiều chính vụ chủ yếu phát lộc lá, không ra lộc hoa như hàng năm. Nguyên nhân vải mất mùa năm nay, theo đánh giá của các chuyên gia và nhà vườn tại Lục Ngạn, thời tiết có diễn biến bất thường. Đầu tháng 12 năm 2023, đợt rét và khô diễn ra trong khoảng 10 ngày, sau đó nhiệt độ tăng cao so với trung bình nhiều năm kèm theo mưa phùn, nổm ẩm kéo dài trong tháng 01 năm 2024 nên cây vải thiều không đủ điều kiện để thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa.
Trái ngược với việc vải thiều mất mùa, đến thôn Mòng B, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn gặp ông Giáp Văn Thương, là một trong số ít nhà vườn tại thôn, vải vẫn được mùa, nhìn vườn vải thiều của gia đình sai trĩu quả, quả sáng bóng, đều và rất đẹp. Tổng kết vụ vải, gia đình đã bán được 12 tấn quả/200 cây, giá bán bình quân tại vườn là 75.000 đồng/kg, đem lại doanh thu khoảng 900 triệu đồng/vụ.
Hỏi ông về bí quyết chăm vườn vải không bị mất mùa, ông Thương vui vẻ nói: Gia đình có 200 cây vải thiều, được bố mẹ ông trồng từ năm 1998 và bàn giao lại cho ông từ hơn chục năm nay. Những năm đầu tiếp quản, do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm chăm sóc, vườn lại không chủ động nước tưới, đợi nước mưa và chủ yếu bón phân hóa học nên cây hay nhiễm sâu ăn lá các đợt lộc, khi ra hoa thì nhiễm bệnh gây dụng hoa, quả non; đến khi chín quả nhỏ, vỏ nhiều gai, hay bị chàm (mực), nứt quả… khi thu hoạch giá bán rất thấp, trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu gần như không có lãi. Chăn trở với việc sản xuất cây vải chưa mang lại hiệu quả, nhiều đêm không ngủ được, ông bàn với vợ quyết tâm thoát nghèo và vươn lên làm giầu từ cây vải.
Được sự động viên và hỗ trợ của gia đình, ông Thương tích cực học tập về kỹ thuật sản xuất vải thiêu theo tiêu chuẩn VieetGap, tiêu chuẩn hữu cơ thông qua các các lớp tập huấn được cán bộ khuyến nông tổ chức, chủ động đi thăm các mô hình sản xuất vải thành công trên địa bàn huyện và tìm hiểu thêm kinh nghiệm của nhiều nhà vườn từ mạng xã hội zalo, Facebook và vận dụng vào điều kiện thực tiễn mô hình của mình.
Ông chia sẻ tiếp, từ năm 2020 đến nay vườn vải thiều của gia đình luôn thu được từ 12 đến 15 tấn/năm, để có được kết quả như vậy ông đã áp dụng đồng bộ các kỹ thuật như: Ngay sau khi thu hoạch vụ quả, ông đã tiến hành bón phân hữu cơ (phân gà), với lượng 15 tấn/ha, phân lân 1,5 tấn/ha và tiến hành tưới thúc nước kết hợp với phân Sumagrow (phân hữu cơ vi sinh được nhập khẩu của Mỹ) với lượng 4,0 lít sumagrow/ha/ lần. Sau 7 đến 10 ngày, khi thấy cây phục hồi (lá cứng, nách lá có hiện tượng nứt lộc) tiến hành cắt tỉa, hạ tán giúp cây thông thoáng, kích thích cây ra lộc.
Về nước tưới, gia đình đã khoan giếng để hoàn toàn chủ động tưới cho vải thiều khi hạn, nhất là khi thấy cây nhí nụ hoa và giai đoạn tháng 4 và 5 khi cây phát triển cùi. Ông cũng thay đổi hẳn phương pháp sử dụng phân bón chăm cho cây vải, từ năm 2020 đến nay, ông chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ để chăm cây, thay gần như hoàn toàn phân đạm và kaly hóa học. Ngoài việc sử dụng phân lân, phân gà ông Giáp Văn Thương đã mạnh dạn sử dụng phân Sumagrow thúc cho cây từ 4 đến 5 lần/ năm, vào giai đoạn như khi hạ tán, cây nhí nụ hoa, khi cây dụng quả sinh lý và trước lúc thu hoạch 45 ngày. Mỗi lần sử dụng ông thường kết hợp pha cùng đạm cá (do gia định tự ngâm). Đối với phân đạm và kaly hóa học ông sử dụng giảm đến 80% lượng phân theo quy trình được khuyến cáo.
Đặc biệt, nhiều năm nay vườn vải thiều của gia đình ông Thương không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn vải, thay vào đó ông để cỏ và chỉ phát cỏ giai đoạn mùa mưa giúp cây thông thoáng. Từ khi áp dụng phương thức sản xuất mới, đất trong vườn vải luôn tơi xốp, độ ẩm luôn ổn định, giun đất hoạt động rất mạnh nên cây sinh trưởng tốt, lá dầy và xanh bền; năng suất vườn vải luôn ổn định, chất lượng quả nâng lên rõ rệt, mã quả sáng đẹp, quả đều, giảm hẳn hiện tượng quả bị chàm, nứt vỏ giai đoạn cuối vụ nên việc tiêu thụ rất thuận tiện.Với kinh nghiệm từ thực tiễn của mình, trong thời gian tới ông mong muốn chia sẻ đến các nhà vườn tham khảo để ứng dụng vào sản xuất.
Năm nay, đa số các vườn vải thiều bị mất mùa, nhưng đối với gia đình ông Giáp Văn Thương lại trúng mùa vải thiều, sản lượng vẫn giữ ổn định bán được giá cao. Điều đáng nói ở đây không phải gia đình ông Thương được mùa là do may mắn, mà bởi ông đã nắm chắc được khoa học kỹ thuật, có kinh nghiệm sản xuất tốt, biết cách tác động hiệu quả vào cây vải thiều giúp cho cây ra hoa đều và kết trái sai. Như vậy nhờ có kinh nghiệm sản xuất tốt, kết hợp với kiến thức khoa học, ông Thương biết tác động hợp lý vào từng cây vải thiều, giúp cho vải thiều được mùa, đem lại giá trị kinh tế cao.