TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Sáng 10/5, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo trực tuyến với chuyên đề “kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel”. Tham dự có Sở Nông nghiệp và PTNT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại sứ quán và chuyên gia Israel. Tại điểm cầu Bắc Giang, ông Lê Bá Thành-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo, chuyên viên Chi Cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông tham dự.
Thiên tai, biến đổi khí hậu từ chỗ bất thường thì nay đã trở thành bình thường. Vậy làm thế nào để thích ứng với điều kiện thời tiết như hiện nay. Đây là câu hỏi được đặt ta tại Hội thảo chia sẻ “kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel”.
“Mọi giọt nước đều đáng quý”
Theo Tham tán thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam Gal Saf, tình trạng thiếu nước không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra trên toàn cầu. Tại Israel, đất nước có tới 60% là sa mạc, năm nào quốc gia này cũng phải đối mặt với thiếu nước, do đó Israel đã đưa ra các giải pháp ứng phó, bao gồm tạo ra nhiều nguồn nước hơn, khử mặn, sử dụng hệ thống tưới, áp dụng nhà kính, tìm giống cây có khả năng chịu hạn tốt.
Để tạo ra nhiều nước hơn, ông Gal Saf cho rằng, trước hết Chính phủ phải xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng quy chế để tư nhân họ tự do đổi mới. Tại Israel, Chính phủ đã hỗ trợ người nông dân trong việc tái sử dụng nước, sử dụng nước lợ và nước mặn.
Bên cạnh đó, Israel sử dụng các đường ống kết hợp với công nghệ để tránh tình trạng thất thoát nước. Nếu như năm 2014, việc thất thoát nước chiếm 10%, thì đến hiện tại con số đã giảm xuống 7 – 8%.
“Thay vì tạo ra nhiều nguồn nước mới, từ việc tiết kiệm, chúng ta có thể giảm thiểu chi phí tài nguyên," ông Gal Saf nhận định.
Hiện 95% nước thải của Israel được xử lý tại trung tâm xử lý nước thải có tại ở các thành phố, tỉnh của Israel. Trong 95% nước thải được tái chế, có tới 80% được tái sử dụng. Đáng chú ý, tất cả các nguồn nước sử dụng cho nông nghiệp của Israel đều được tái chế từ nước thải, nước sinh hoạt.
Ông Yaron Mayer- Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ, Israel trước đây luôn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Để khắc phục, Israel đã biến thách thức thành cơ hội cùng với sự phát triển của công nghệ. Có hai sáng kiến được đưa ra đó là tái sử dụng nước và khử mặn. Để tạo ra nhiều nguồn nước thì Chính phủ cần xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, quốc gia này cũng đề cao sự giáo dục con người, xây dựng văn hóa tiết kiệm nước, “mọi giọt nước đều đáng quý”… Nhờ vậy, Israel đã đảm bảo nguồn cung nước cho quốc gia.
Nói về công nghệ khử mặn, Israel hiện có 5 nhà máy khử mặn, trong đó một nhà máy đang được xây dựng tiếp. Do công nghệ này chi phí cao nên chủ yếu sử dụng cho nước uống. Mặc dù có hơn nửa diện tích là sa mạc, tuy nhiên Israel vẫn xuất khẩu các mặt hàng rau sang các nước châu Âu, Mỹ với giá thành và chất lượng cao.
“Văn hóa tiết kiệm nước”
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp &PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tôi rất ấn tượng với từ khóa “văn hóa tiết kiệm nước của người Israel” và nhận định, nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp đánh đổi qua tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học. Nước là tài nguyên hữu hạn, càng ngày càng giảm, bao gồm cả hệ thống nước mặn và nước ngầm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp đầy đủ cho vấn đề này. Khi chưa hình thành văn hóa tiết kiệm, ngành thủy lợi ra sức khoét núi, xây hồ, ngành trồng trọt lại xả nước vô tội vạ cho tưới tiêu. Đây là trách nhiệm chung, từ cấp độ vĩ mô tạo ra áp lực để thay đổi, bên cạnh áp lực đó thì cần chính sách bảo hộ thêm.
Tại đây, Bộ trưởng đề xuất các bên cùng nghiên cứu để chuẩn bị cho một hội thảo sâu hơn về nông nghiệp tiết kiệm nước, góc nhìn từ Israel và bài học cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Israel tăng cường các chương trình giao lưu, học tập cho thực tập sinh nông nghiệp Việt Nam, để du học sinh được sống và học tập trong môi trường trang trại, HTX tại Israel. Đây sẽ là nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng trong tương lai.