Thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tháng cuối năm 2024
Lượt xem: 65  | Ngày đăng: 21/08/2024

Phát huy vai trò nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2024, trong đó đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dương, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tháng cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Mục tiêu cụ thể

Kế hoạch đưa ra mục tiêu, phấn đấu năm 2024, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khoảng 0,15%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm 2024 (theo giá so sánh 2010) đạt 22.874,2 tỷ đồng, tăng 34,5 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động dịch vụ đạt 20.054,4 tỷ đồng.  Lĩnh vực lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ đạt 1.310,8 tỷ đồng;  khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 1.509.001 tỷ đồng.

Tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phát triển đàn vật nuôi, trong đó chú trọng phát triển tăng đàn lợn, đàn gà để phục vụ thực phẩm dịp cuối năm; tập trung chăm sóc, bảo vệ và khai thác sử dụng rừng hiệu quả, phấn đấu cuối năm khai thác 1,0 triệu m3 gỗ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu có tối thiểu 85 sản phẩm mới được công nhận OCOP, đến cuối năm 2024 luỹ kế tối thiểu có 350 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, xây dựng, phát triển thêm ít nhất 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao; đảm bảo công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ Mùa, thực hiện tốt công tác PCTT và TKCN.

Nhiệm vụ, giải pháp

Để đạt được mục tiêu, tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo phát triển và mở rộng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản các tháng cuối năm 2024.

Về Trồng trọt: Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Mùa 2024 đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; trong đó đẩy mạnh trồng xen canh, gối vụ đối với nhóm cây rau màu, cây ngắn ngày nhằm nâng cao diện tích, sản lượng nông sản. Phấn đấu năng suất lúa vụ Mùa đạt 57,2 tạ/ha; diện tích rau vụ Mùa tăng 450 ha so vụ Mùa năm 2023, sản lượng cả năm 2024 ước tăng 3,5% so năm 2023; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây rau màu, cây dược liệu, hoa cây cảnh... có hiệu quả kinh tế cao hơn; định hướng chuyển đổi thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với nhu cầu thị trường và gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch;

Tập trung cao cho công tác chỉ đạo, thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên các đối tượng cây trồng có thời gian thu hoạch trong các tháng cuối năm như: Rau các loại, na, cam, bưởi, ổi... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm để bù vào sản lượng các cây trồng khác bị giảm; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá, tiến bộ kỹ thuật, sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Về Chăn nuôi: Duy trì tốc độ tăng trưởng chăn nuôi, tập trung phát triển hai đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh là đàn lợn và đàn gà; thúc đẩy tăng trưởng những loại vật nuôi khác còn dư địa phát triển như: thủy cầm, ngựa, dê, trâu, bò...; các tháng cuối năm 2024 phấn đấu đảm bảo thực hiện hoàn thành 134,3 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng (1,0 nghìn tấn thịt trâu; 2,6 nghìn tấn thịt bò; 91,3 nghìn tấn thịt lợn; 39,1 nghìn tấn thịt gia cầm; 0,4 nghìn tấn thịt dê); 133,7 triệu quả trứng, 173 tấn mật ong…; hoàn thành mục tiêu cả năm 2024 đạt 286,3 nghìn tấn thịt hơi các loại.

Thúc đẩy tăng trưởng những loại vật nuôi khác còn dư địa phát triển như thủy cầm, ngựa, dê, trâu, bò

Khuyến khích, hỗ trợ người chăn nuôi phát triển mở rộng chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, công nghiệp; tăng tái đàn phát triển sản xuất, đặc biệt đàn lợn và đàn gà, gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Hỗ trợ, khuyến khích mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh môi trường.

Khuyến khích người chăn nuôi đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, quy trình VietGAHP, thụ tinh nhân tạo gia súc, gia cầm, sử dụng chế phẩm sinh học, chăn nuôi chuồng kín, trang thiết bị cho ăn, uống tự động... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Về Thủy sản: Mở rộng diện tích nuôi thủy sản năng suất cao, nuôi thủy sản thâm canh theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các tháng cuối thực hiện khai thác 27.881 tấn thủy sản, lũy kế cả năm đạt 56.386 tấn (tăng 2.386 tấn so với KH giao). Tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình chăn nuôi thâm canh có hiệu quả, làm tốt công tác khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi thủy sản thâm canh và bán thâm canh...; khai thác tiềm năng lợi thế về diện tích mặt nước sẵn có để phát triển chăn nuôi thủy sản tận dụng các loại hình thủy vực như nuôi ruộng trũng, mặt nước lớn, khắc phục dần tình trạng thả cá quảng canh cho năng suất thấp ở một số hộ nông dân hiện nay.

Về Lâm nghiệp: Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Rà soát hiện trường, diện tích đưa vào trồng rừng; chuẩn bị cây giống đảm bảo số lượng, chất lượng; đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng vào trồng rừng, cây giống đưa vào trồng rừng có nguồn gốc xuất xứ, cây xuất vườn đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.

Phấn đấu có tối thiểu 85 sản phẩm mới được công nhận OCOP, đến cuối năm 2024 luỹ kế tối thiểu có 350 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, xây dựng, phát triển thêm ít nhất 2 sản phẩm đủ điều kiện đánh giá 5 sao cấp quốc gia.

Hỗ trợ người dân phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong sản xuất vụ Mùa. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh ban hành hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Làm tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai phục vụ sản xuất…

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch làm cơ sở để triển khai thực hiện. Tập trung chỉ đạo tốt sản xuất vụ Mùa và vụ Đông; tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời tình hình dịch bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy chế biến, khu sơ chế và kho bảo quản nông sản trên địa bàn gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh.

Bài, ảnh: Hương Giang
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên