Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa- Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Lượt xem: 146  | Ngày đăng: 22/10/2024

Vụ Mùa năm nay, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị triển khai mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất cao ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ tại xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang. Mô hình còn ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất, từ làm đất, sử dụng mạ khay – máy cấy (2 ha), phun thuốc bảo vệ thực vật bằng Drone và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, mang lại nhiều hiệu quả.

Thay đổi tập quán canh tác

20 ha lúa mới DCG66 và Tân Ưu 98, 206 hộ nông dân tham gia, trình diễn hai giống lúa DCG66 và Tân Ưu 98, vừa được thu hoạch cách đây ít hôm đạt năng suất 58-60 tạ/ha, khiến nông dân phấn khởi. Đặc biệt, giống lúa thuần DCG66 có nhiều điểm sáng nổi bật như khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chịu chua phèn, cứng cây, ít đổ ngã khi gió lớn; khả năng đẻ nhánh tốt, số bông hữu hiệu cao, tỷ lệ hạt chắc/bông cao; năng xuất cao hơn giống Khang dân 10-15%; chất lượng gạo phù hợp với công nghệ chế biến như bánh phở, bún… thị trường tiêu thụ thuận lợi, dễ dàng nên có triển vọng thay thế giống KD18. Đây là mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lạng Giang thực hiện.

Gạo DCG66 phù hợp để chế biến bún, bành, phở... được thị trường ưa chuộng

Ông Đồng Văn Khải cho biết, khi tham gia mô hình, chúng tôi được cơ quan chuyên môn hướng dẫn các kỹ thuật trong sản xuất lúa giống lúa mới cũng như hướng dẫn sử dụng phân bón cân đối, hợp lý; dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, tưới nước tiết kiệm theo từng giai đoạn sinh trưởng, tăng cường áp dụng cơ giới hoá để giảm chi phí và giảm thất thoát trong khâu thu hoạch … Thông qua mô hình này giúp các hộ dân chúng tôi biết ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa.

Sử dụng mạ khay – máy cấy trong mô hình

Thực tế sản xuất cho thấy, việc ứng dụng mạ khay – máy cấy với phương pháp làm mạ tập trung và mật độ cấy thưa đã giúp cây mạ phát triển mạnh, hồi xanh nhanh, bén rễ tốt, nhờ đó cây lúa sinh trưởng khỏe, giảm chi phí phòng trừ sâu bệnh và tiết kiệm từ 40-45% chi phí nhân công so với cấy tay. Việc sử dụng Drone phun thuốc bảo vệ thực vật giúp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, giảm chi phí thuốc, tiết kiệm nước, giảm công lao động và bảo vệ sức khỏe người dân cũng như môi trường.

Lâu nay người nông dân chúng tôi phải cấy thủ công vào các giai đoạn cây lúa làm đòng đến trỗ, bà con nông dân thường phải lội ruộng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh rất vất vả, mỗi bước chân dẫm đạp gãy cây lúa. Nay có công nghệ mới với máy cấy, và thiết bị bay không người lái hỗ trợ trong các khâu, công suất làm việc cao gấp nhiều lần so với làm thủ công. Hơn nữa, áp dụng cơ giới hóa giúp tiết kiệm được khoảng 50% chi phí so với thuê người cấy và thuê công phun thuốc BVTV. Sang những vụ tiếp theo, gia đình tôi cùng với các hộ trong thôn tiếp tục áp dụng cơ giới hóa không những trong sản xuất lúa mà trên cả các cây rau màu như ngô, khoai tây…, bà Đồng Thị Hảo, hộ tham gia mô hình phấn khởi chia sẻ.

Phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái

Theo Trung tâm Khuyến nông, các mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đã làm thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động rất nhiều lần so với lao động thủ công. Đảm bảo kịp thời vụ, khắc phục những khó khăn về thiếu nhân lực trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là vào các thời điểm gieo cấy và thu hoạch; giảm chi phí sản xuất từ 25-40% tùy theo từng khâu cơ giới hóa; giảm đáng kể tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch xuống còn dưới 3%, nâng cao chất lượng nông sản. Tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa từ 25-30%. Tăng thu nhập cho người dân trồng lúa, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Ông Đồng Văn Thống, hộ tham gia mô hình cho hay: chi phí cấy lúa bằng máy là 350 nghìn đồng/sào (đã bao gồm tiền giống) trong khi thuê lao động thủ công giá trung bình 350 nghìn đồng/ngày công. Sử dụng máy cấy, nông dân không phải làm đất, gieo mạ hay nhổ mạ. Một máy cấy bốn hàng có thể cấy được 01 ha/ngày, tương đương với 30 người cấy tay. Máy cấy giúp lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh và ô nhiễm, đồng thời làm lúa đẻ sớm và khỏe hơn, từ đó năng suất cao hơn so với cấy tay.

Hơn nữa, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, so với phun thủ công là 35 nghìn đồng/sào. Phun thuốc BVTV bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí, hạn chế lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Khâu thu hoạch bằng máy chỉ ở mức giá 100-120 nghìn đồng/sào.

Đánh giá hiệu quả cách làm này, ông Lê Hồng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, “việc triển khai thành công mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch lúa đã tạo ra bước đột phá, giúp nông dân giảm gánh nặng lao động thủ công, kịp thời giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực trong bối cảnh lao động nông thôn chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp. Ứng dụng mạ khay - máy cấy và máy bay không người lái không chỉ tối ưu chi phí, giảm thiểu sâu bệnh mà còn nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, mô hình này góp phần bảo vệ môi trường, mở ra hướng đi cho một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và an toàn”.

Qua thực tế triển khai mô hình ứng dụng mạ khay, máy cấy trên địa bàn thị xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm giống lúa, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cấy truyền thống. Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, thúc đẩy liên kết để hình thành vùng sản xuất cánh đồng lúa lớn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng nhiều dự án liên quan đến cơ giới hóa vào khâu gieo cấy lúa, nhất là sẽ ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh để làm những điểm trình diễn giúp người dân học tập, ứng dụng và làm theo hướng công nghệ 4.0.

Bài, ảnh: Hương Giang
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên