TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Nhằm đánh giá hiệu quả của dự án tuyên truyền vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường, Hội nông dân tỉnh vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 3. Qua đánh giá cho thấy, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút đông đảo nông dân tham gia và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Hơn 70.000 nông dân tham gia
Theo đó, xây dựng 36 mô hình tại 18 xã trên địa bàn 8 huyện của tỉnh Bắc Giang gồm Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); xã Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên); An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam). Quy mô 02 sào/mô hình, hỗ trợ 1 triệu đồng/mô hình (trong đó hỗ trợ 50kg phân vi sinh arotobacterin và 0,25kg chế phẩm xử lý rơm rạ/sào). Các mô hình áp dụng triệt để 03 kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường là sử dụng 100% phân vi sinh, tưới nước đúng kỹ thuật (Nông- Lộ- Phơi) và sử dụng rơm rạ đúng cách.
Qua thực tế sản xuất cho thấy, diện tích lúa áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường cây lúa có bộ rễ phát triển mạnh hơn, khả năng đẻ nhánh khỏe, cứng cây, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, tỉ lệ hạt chắc trên bông và số bông hữu hiệu trên khóm tăng, năng suất cao hơn từ 20-30% so với diện tích lúa đối chứng canh tác theo truyền thống.
Sau khi triển khai dự án tại 18 xã, ngoài mô hình điểm, toàn tỉnh có 7.100 ha lúa áp dụng canh tác thân thiện với môi trường, thu hút trên 70.000 nông dân tham gia. Trong đó có 2.427 ha áp dụng kỹ thuật sử lý rơm rạ đúng cách, 3.919 ha áp dụng bón phân hợp lý và 2.630 ha áp dụng tưới ướt khô xen kẽ.
Sở dĩ, dự án đạt được những kết quả tích cực là do tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm mới trong quá trình thực hiện như: dự án được thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh; nhận được sự quan tâm, ủng hộ cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; hàng năm, tỉnh đều cấp ngân sách đối ứng để triển khai nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, Hội nông dân tỉnh ký chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình điểm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm lúa, gạo thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động thông qua các tổ nhóm nông dân…
Hiệu quả của dự án
Ông Lã Văn Đoàn- Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết, dự án đã góp phần tác động tích cực về mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dự án góp phần chuyển đổi hành vi của người nông dân từ phương pháp canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Đánh giá về mặt kinh tế, việc chuyển sanh canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp giảm chi phí canh tác. Cụ thể, giảm lượng giống từ 1,5 -2kg/ xuống còn 0,7- 1kg/sào; giảm lượng phân hóa học 20-30%; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 50%. Bên cạnh đó, năng suất lúa canh tác thân thiện với môi trường tăng từ 7-8 tạ/ha, giúp tăng hiệu quả kinh tế 9-10 triệu đồng/ha.
Về mặt xã hội, dự án đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nông dân từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng của cây, thu hút trên 70.000 nông dân chuyển sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Về mặt môi trường, dự án giúpgiảm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh.
Tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới:
Ông Lã Văn Đoàn - Phó chủ tịch hội nông dân tỉnh cho biết, để nhân rộng mô hình, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường. Cùng đó, Hội Nông dân tỉnh đang trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025-2030”.
Bên cạnh nguồn lực nội tại, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang mong muốn được tiếp tục thực hiện Dự án "Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường" tại tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, làm tiền đề, nền tảng để nhân rộng diện tích canh tác lúa thân thiện với môi trường trên toàn tỉnh đồng thời, đảm bảo tính bền vững của Dự án.