Kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vải thiều giai đoạn hoa và quả
Lượt xem: 244  | Ngày đăng: 03/01/2022

I. Kỹ thuật chăm sóc

 Làm cỏ, tưới nước và giữ ẩm cho cây

Ở thời kỳ này phải thường xuyên làm cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây để hạn chế tối đa sự cạnh tranh dinh dưỡng.

Ở thời kỳ ra hoa và chuẩn bị nở hoa phải ngừng hẳn việc tưới nước giữ cho vườn cây ở mức khô hạn cục bộ từ 10-15 ngày, sau đó tưới đẫm nước liên tục 2,3 ngày rồi dứt hẳn để kích thích cho hoa nở đồng loạt, tập trung. Nếu có điều kiện có thể dùng rơm rạ, cỏ khô tủ gốc giữ ẩm thường xuyên cho vườn cây trong thời kỳ cây ra hoa đậu quả là tốt nhất. Vì ở thời kỳ này nếu để vườn khô cây thiếu nước, hoa sẽ bị rụng nhiều, ngược lại nếu tưới quá nhiều nước, độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ cao sẽ làm cho các mô non ở cuống và hoa trương lên đột ngột cũng làm cho hoa rụng nhiều. Cần lưu ý cung cấp đủ nước cho vải nhất là vào thời kỳ phát triển của quả.

Chăm sóc hoa

Tiến hành bón phân thúc hoa khi tua rua (chùm hoa) dài trên 3 cm, tưới nước giữ ẩm đất luôn ở mức 70 - 80%. Khi tua rua dài 5 - 7 cm phun chế phẩm tăng đậu quả HPC-B97 liều dùng: 10ml HPC - B97 pha 8 - 10 lít nước phun ướt đều chùm hoa và tán cây hai lần cách nhau từ 10 - 15 ngày sẽ làm cho chùm hoa phát triển to, mập, cuống hoa dài và tăng chất lượng của hạt phấn.

Trong trường hợp hoa có kèm lá cần tiến hành diệt lá non để nụ hoa phát triển khỏe bằng chế phẩm ra hoa xanh với liều lượng: dùng 15ml HPC - 97HXN pha 10 lít nước sạch phun trực tiếp lên chùm hoa có lá, sau 5 - 7 ngày lá sẽ rụng hoặc có thể dùng tay ngắt bỏ những lá nhỏ để tạo điều kiện cho nụ hoa phát triển.

Lưu ý trong thời kỳ hoa đang nở phải ngưng hoàn toàn việc phun thuốc BVTV và các chất kích thích sinh trưởng khác lên tấn cây cho đến khi tắt hoa (hoa tàn).

Bón phân

            Ở giai đoạn này cần bón phân cho vải vào các thời kỳ sau:

            Bón thúc hoa, tiến hành bón khi tua rua dài trên 3cm với lượng bón 0,1 - 0,2 kg ure + 0,5 - 1kg lân supe + 0,1 - 0,2 kg kali cho 10 m2 tán. Ở thời kỳ này nếu sử dụng phân NPK để bón cho vải thì nên sử dụng loại phân NPK loại giầu lân, ít đạm, ít kali như phân NPK (5:10:3) để bón.

            Bón giai đoạn đậu quả (phân quả xong, quả vải bằng hạt mây, khoảng từ 10-15 ngày sau khi đậu quả) sử dụng: 0,1 - 0,2kg ure + 0,2 - 0,3kg kali bón cho 10 m2 tán.

            Bón thúc quả, bón thúc quả giúp quả phát triển nhanh, chống rụng quả, tiến hành bón khi quả đã tạo cùi được 1/3 hạt, sử dụng 0,15kg ure + 0,2 - 0,4kg kali bón cho 10 m2 tán.

            II. Phòng trừ sâu bệnh hại giai đoạn hoa và quả

            Để phòng trừ sâu, bệnh hại vải thiều giai đoạn hoa và quả đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh ATTP theo quy trình GAP cần tiến hành các biện pháp sau:

            Điều tra dự báo sâu, bệnh hại

            Định kỳ 3 - 7 ngày/lần tiến hành điều tra tình hình phát sinh sâu bệnh hại để có kế hoạch phòng trừ kịp thời đúng lúc, đúng thời điểm nhằm hạn chế tối đa lượng thuốc BVTV sử dụng mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao.

            Kỹ thuật phòng trừ

            Thực hiện tốt các biện pháp canh tác như tỉa cành tạo tán để hạn chế sâu bệnh hại. Phòng trừ sâu bệnh theo điều tra dự báo, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học và thuốc có nguồn gốc sinh học và nằm trong danh mục thuốc được phép sử dụng.

            Phòng trừ sâu bệnh hại giai đoạn cây ra hoa và hoa nở

            Đây là giai đoạn thời tiế giao mùa, chuyển tiếp từ mùa đông sang mùa xuân nên sâu bệnh tập trung gây hại nhiều như: Nhện lông nhung, bọ xít, rệp muội, sâu đo, bệnh sương mai và thán thư xuất hiện nhiều trên các chùm hoa... Các biện pháp phòng trừ cụ thể:

            Đối với nhện lông nhung: Cần thu gom lá bị bệnh, cắt toàn bộ những cành lộc bị bệnh đem đốt. Sau khi thu hoạch quả cần tiến hành cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng để giảm bớt điều kiện hoạt động của nhện. Phun phòng trừ nhện ở tất cả các lúa lộc thu và lộc xuân bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Regent 800WG, Pegasus 500SC liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

            Phòng trừ bọ xít: Diệt bọ xít qua đông bằng vợt hoặc dung cây để bắt. Sử dụng thuốc BVTV để diệt bọ xít trưởng thành hiệu quả nhất là vào tháng 3, khi chúng qua đông và ra vườn giao phối để thực hiện chu trình sinh sản mới, sử dụng các loại thuốc diệt bọ xít như: Goldcheck 680WP, 750WP, Tasieu 1.0EC, 2WG, Reasgant 1.8EC, 2WG.

            Rệp muội: Rệp muội cũng là đối tượng gây hại mạnh trong giai đoạn này. Trên lộc xuân vào cuối thời kỳ ra hoa, trên các chùm hoa nếu thấy mật độ rệp cao có thể dùng thuốc trebon 10EC để phòng trừ.

            Bệnh sương mai và thán thư: Nếu trong điều kiện thời tiết khô hanh, không có mưa phùn thì bệnh rất ít xuất hiện vì vậy không nhất thiết phải phun thuốc. Ngược lại, thời tiết âm u, mưa phùn nhiều, ẩm độ cao cần phải chú ý dùng các loại thuốc như: Boocdo, Ridomil MZ 72WP, Aliette 80WP để phòng trừ bệnh sương mai và Bavistin 50FL, Benlate 50WP phùng trừ bệnh thán thư (lưu ý không phun thuốc khi hoa cái nở rộ).

            Giai đoạn đậu quả đến hình thành cùi

            Giai đoạn này sâu đo thường tập trung đẻ trứng ngay trên quả non. Sâu non nở ra gặm vỏ quả làm quả rụng hay gây sát thương, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát sinh, ở giai đoạn này ngoài việc phòng trừ sâu đo cần lưu ý phòng trừ bệnh thán thư.

            Giai đoạn quả kéo cùi đến chín

            Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến chất lượng quả. Ở giai đoạn này các loại sâu hại quan trọng như sâu đục cuống quả và ruồi đục quả kết hợp với các bệnh thán thư, sương mai và nứt quả làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả.

            Đối với sâu đục cuống quả: Sử dụng bẫy pheromon dự báo để phòng trừ. Khi bướm rộ với mật độ cao thì tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc như: Padan 95SP nồng độ 0,1%, Regent 800WG nồng độ 0,1%. Thường xuyên tỉa cành tạo độ thông thoáng để hạn chế nơi trú ngụ của sâu.

            Ruồi đục quả: Cần phát hiện sớm, ngay từ đầu tháng 5, sử dụng bẫy bả để dự báo và phòng trừ. Khi ruồi đục quả vào bẫy rộ, tiến hành phun thuốc Padan 95SP nồng độ 0,1%, kết hợp với trừ sâu đục cuống quả.

            Bệnh sương mai: Ở giai đoạn này nếu thời tiết rét muộn, trời âm u, nhiều sương nên sử dụng thuốc phòng bệnh sương mai như: Ridomil MZ 72WP nồng độ 0,3% hoặc Boocdo nồng độ 1%.

            Bệnh thán thư: Thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều, trên quả vải có các vết chàm xanh là biểu hiện của bệnh phát sinh trên quả, khi vết chàm chuyển mầu mực thẫm là bệnh phát triển mạnh, cần phải tiến hành phun thuốc Bavistin 50FL, Anvil 5SC, Topsin M 70WP nồng độ 0,2%.

            Lưu ý: Nên ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch 15 ngày để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài: Hà Đức Thảo

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên