TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
* Khuyến cáo: Phân hữu cơ ủ từ nguồn rác rau bị bệnh nặng thì tốt nhất nên sử dụng để bón cho cây trồng không cùng ký chủ của bệnh.
- Các bước tiến hành
* Dụng cụ, nguyên liệu
- Dụng cụ
+ Dụng cụ thu gom rác rau: cào cuốc, xe chuyên chở, .v.v
+ Dụng cụ chế biến rác rau: dao để băm chặt hoặc dụng cụ cắt rau chuyên dụng,.v.v.
+ Dụng cụ để ủ: cuốc, xẻng, bạt che nắng mưa hoặc thực hiện trong nhà có mái che, ô doa tưới hoặc máy bơm; thùng chứa dung tích 100-200 lít;
- Nguyên liệu
+ Rác rau, phế phụ phẩm nông nghiệp khác,.v.v.
+ Chế phẩm vi sinh vật: Sử dụng các loại chế phẩm có trên thị trường như: BioEm, BioADB của Viện Môi trường Nông nghiệp, Compost maker của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chế phẩm Emic của Công ty CP VSV ứng dụng,.v.v.
+ Dinh dưỡng bổ sung: Đạm, lân, ka li, rỉ đường, .v.v.
+ Nguyên liệu điều chỉnh pH: vôi bột, bột nhẹ,.v.v.
+ Quy trình thực hiện
* Bước 1:
- Chuẩn bị nguyên liệu: Xác cây rau, cỏ dại thu gom loại bỏ tạp chất vô cơ, đất. Tiến hành chặt nhỏ kích thước nguyên liệu không quá 10cm đối với thân cây rác rau ăn quả, phần cứng gốc cây rau ăn lá. Vì rác phát thải trong sản xuất rau ăn lá thường có tỷ lệ C/N cao nên cần chú ý khi chuẩn bị nguyên liệu rác để ủ và chất độn phối trộn để đống ủ hoạt động tốt. Nếu phần thân cây đã già, khô nhiều thì cho thêm các loại lá rau, ngọn tươi và cỏ tươi sao cho tỷ lệ phần cây già, héo và phần còn xanh là 50%, nguồn phế thải chăn nuôi tỷ lệ phối trộn khoảng 15-20% (nếu có). Trong quy trình xử lý tốt nhất nên tưới ẩm và trung hòa nguyên liệu bằng vôi bột hoặc nước vôi 1-2 ngày.
- Đối với qui mô tổ hợp tác: Quy hoạch khu xử lý rác riêng. Lượng rác phát thải trong thời kỳ chăm sóc rau ăn quả và rau ăn lá hàng ngày được thu gom về nơi xử lý sau đó rắc đều vôi bột (lượng 10- 14 kg vôi bột/1 tấn rác) và phối trộn với phế thải chăn nuôi (nếu có). Tỷ lệ phế thải chăn nuôi phối trộn vào trong khối ủ chiếm khoảng 15-20% trọng lượng, hỗn hợp các loại phế thải thu được từ 1500kg – 2000kg sẽ tiến hành ủ. Tiến hành ủ đống, đậy bạt che phủ, vị trí đống ủ có chỗ thoát nước tốt.
- Đối với qui mô nông hộ: lượng rác phát thải trong thời kỳ chăm sóc rau ăn quả và rau ăn lá được thu gom lại và để nơi góc ruộng (là chỗ cao, thoát nước tốt) sau đó rắc đều vôi bột lên và che phủ bạt để tránh nước mưa và sâu bệnh phát tán. Khi lượng rác rau thu được từ 500 kg trở lên sẽ tiến hành đống ủ. Trong trường hợp thu gom không đủ lượng tối thiểu, có thể thu gom trong thời gian 2-3 ngày đảm bảo đủ lượng tối thiểu sẽ cho ủ. Tiến hành ủ đống, đậy bạt che phủ, vị trí đống ủ có chỗ thoát nước tốt.
- Thu gom rác thời kỳ thu hoạch: Sau khi kết thúc thu hoạch sản phẩm cần phải dọn vệ sinh đồng ruộng bằng cách thu gom tất cả phụ phẩm của cây về khu ủ (đối với quy mô tổ hợp tác có khu ủ tập trung), về chỗ cao, thoát nước tốt (đối với quy mô nông hộ ủ tại đồng ruộng) và phải có hố chứa nước thoát ra từ đống ủ.
* Lưu ý:
- Rác rau trên ruộng bị nhễm bệnh nặng khi thu gom cần tách riêng để có biện pháp xử lý thích hợp. Có thể kết hợp với chế phẩm vi sinh vật đối kháng khi ủ và điều khiển nhiệt độ đống ủ; biện pháp đốt, sử dụng vôi,... tùy thuộc vào loại nguồn bệnh để có biện pháp xử lý thích hợp và hiệu quả. Phân hữu cơ ủ từ những nguồn rác rau bị bệnh nặng tốt nhất nên sử dụng để bón cho cây trồng không cùng ký chủ của bệnh.
- Trong trường hợp không có phế thải chăn nuôi bổ xung vào khối ủ, có thể sử dụng 100% lượng phế thải là rác rau, cần điều chỉnh tỷ lệ C/N cho phù hợp bằng cách bổ xung vào đó lượng ure là 10kg/tấn (thay cho 5kg /tấn theo quy trình).
* Bước 2:
- Chuẩn bị dịch vi sinh vật: Cho ure, kali vào thùng chứa nước sạch khuấy tan, tiếp tục cho rỉ đường vào khuấy đều sau đó cho chế phẩm vi sinh vật vào trộn đều. Pha lượng nước dịch sao cho khi tưới đống ủ có độ ẩm 55- 60% (trung bình khoảng 70-100lit nước/1 tấn nguyên liệu).
- Chế phẩm vi sinh vật sử dụng là tổ hợp các chủng vi sinh vật có khả năng phân giải các hợp chất hữu cơ cao như xenluloza, protein, photphat hữu cơ,.v.v. Có thể sử dụng các sản phẩm thương mại có trên thị trường như: BioEm, BioADB của Viện Môi trường Nông nghiệp, Compost maker của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chế phẩm Emic của Công ty CP VSV ứng dụng,.v.v.
* Bước 3:
- Chọn vị trí đặt đống ủ và tiến hành ủ nguyên liệu: Là nơi có mái che hoặc chỗ cao thoát nước tốt. Nguyên liệu ủ được xếp thành từng lớp 30cm, sau mỗi lớp xếp lại rắc đều phân lân và tưới dịch VSV (nếu rác hữu cơ chưa được phối trộn ủ hoạt hóa trước với vôi, phân gia súc, gia cầm thì khi ủ xếp nguyên liệu như sau: xếp 1 lớp rác rau 25-30 cm sau đó rắc vôi bột, phân lân và tưới đều dịch VSV.
- Tiếp theo rải 1 lớp phế thải chăn nuôi 10-15 cm (nếu có), rắc lân, tưới dịch VSV và xếp tiếp lớp rác rau thứ 2) cứ tiếp tục như vậy cho đến khi đống ủ có chiều cao 0,9 – 1,2m, sau cùng tưới nước dịch VSV đều khắp bề mặt đống ủ. Phế thải chăn nuôi dùng có thể là phân tươi hoặc hoặc là nguồn phế thải đã qua xử lý.
- Đống ủ được che phủ kín bằng bạt nilon đảm bảo nhiệt độ khối ủ đạt từ 55-600C trong vòng từ 3-5 ngày sau khi ủ. Sau đó nhiệt độ sẽ giảm dần. * Bước 4: Đảo trộn đống ủ: Sau 12 -15 ngày kể từ khi ủ tiến hành đảo trộn đống ủ (đống ủ được đảo chất lượng phân ủ tốt hơn và thời gian ủ sẽ nhanh hơn). Trong quá trình đảo trộn bổ sung thêm nước vào nếu đống ủ bị khô. Sau khi ủ khoảng 35- 40 ngày kiểm tra đống ủ thấy không nóng hơn so với nhiệt độ bên ngoài, không có mùi khó chịu, phân ủ dễ mủn, tơi và có màu đen hoặc màu nâu sẫm là phân đã đạt độ hoai mục. Đảo trộn đều đống ủ đánh đống sau 1 tuần, tiến hành lẫy mẫu phân kiểm tra, kết quả đạt tiêu chuẩn phân bón có thể sử dụng bón cho cây trồng.
+ Đối với quy mô sản xuất nông hộ: Phân hữu cơ sau quá trình ủ đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật được sử dụng như một nguồn phân chuồng. Liều lượng áp dụng tính theo nhu cầu về lượng phân chuồng áp dụng cho từng đối tượng cây trồng. Đối với quy mô nông hộ, chất lượng phân hữu cơ tạo ra được đánh giá thông qua các yêu cầu về màu sắc, độ tơi xốp, tỷ lệ mùn hóa của nguyên liệu.