Bệnh đạo ôn hại lúa và biện pháp quản lý
Lượt xem: 254  | Ngày đăng: 03/01/2022

Bệnh đạo ôn gây hại cho lúa do nấm Pyricularia Oryzae gây ra. Bào tử nấm tồn tại trong rơm rạ từ vụ trước, cỏ dại ngoài đồng và được phát tán trong không khí. Khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm và gây hại cho lúa nhất là giai đoạn lúa đẻ nhánh, đứng cái (đạo ôn lá, đốt thân, cổ lá) và đòng trỗ (đạo ôn cổ bông, cổ gié).

1. Triệu trứng:

- Trên lá: vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh lục hoặc mờ vết dầu, sau chuyển sang màu xám. Sự phát triển liên tục của triệu chứng bệnh thể hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ phản ứng của cây. Trên các giống mẫn cảm các triệu chứng đặc trưng to, hình thoi, dày, màu nâu nhạt, có khi có quầng màu vàng nhạt, giữa có chấm sáng; nhiều vết bệnh liên kết tạo thành một khối và làm cho cây bị lụi. Trên các giống chống chịu vết bệnh là những chấm nhỏ hình dạng không đặc trưng. Các giống có phản ứng trung gian, vết bệnh có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục nhỏ, xung quanh vết bệnh có viền nâu.

- Trên cổ bông, cổ gié, trên hạt: các vị trí khác nhau của bông lúa đều có thể bị bệnh với các triệu chứng các vết bệnh màu nâu xám hơi teo thắt lại. Vết bệnh trên cổ bông, cổ gié xuất hiện sớm thì gây bông bạc, hạt lép và thường gây hiện tượng gãy cổ bông, cổ gié. Vết bệnh trên hạt không định hình , có màu xám hoặc nâu đen. 

- Trên đốt thân, cổ lá: các đốt thân gần gốc bị bệnh mục ra làm cho cây bị đổ. Các đốt cổ lá bị bệnh mục ra làm cho lá bị gãy. 

2. Đặc điểm phát sinh phát triển của nấm: 

- Đạo ôn lá phát sinh trong điều kiện thời tiết âm u có sương mù hoặc mưa phùn liên tục nhiều ngày, ẩm độ cao. Trên lá lúa đọng các giọt nước, đặc biệt ruộng bị lướt lá do thừa đạm, giai đoạn lúa đẻ rộ đến cuối đẻ nhánh là giai đoạn thuận lợi để bệnh xâm nhiễm và gây hại đối với đạo ôn lá.

- Đạo ôn cổ lá, đốt thân, cổ bông sẽ phát triển thuận lợi trong điều kiện ẩm độ không khí cao > 95%, nhiệt độ ban ngày 25-28oC, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao, nhất là các giống nhiễm, bón thừa đạm, bón đạm muộn.

Biện pháp quản lý:

Để hạn chế bệnh phát triển và gây hại cần phải cấy ít dảnh (1-2 dảnh/ khóm), cấy thưa (30-35 khóm/m2); bón phân cân đối đạm, lân, kali, không bón thừa đạm, bón tập trung vào giai đoạn đầu vụ (bón lót và thúc đẻ nhánh) không bón quá muộn, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ khỏe, dảnh lúa to mập cứng cây, góc lá hẹp, lá không bị lướt khi gặp trời mưa phùn.

Khi ruộng bị bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc sau: Fuj-one 40WP; Fu-army 40EC; Filia 525SE... những ruộng bị nặng phải phun kép 2 lần cách nhau 7 ngày. Nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì thuốc. Đối với ruộng đã bị bệnh không được bón thêm bất cứ loại phân nào kể cả phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng. 

Lưu ý: Phun thuốc đạo ôn cho lúa phải dùng bình bơm, hạt ra đầu vòi càng tơi càng tốt và làm sao để cho nước thuốc phải ướt đều các lá, không được dùng ống phụt, hoặc bình bơm không lắp bát sen.

Đỗ Thị Luyến

Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên