TT Khuyến nông: Kết quả bước đầu mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cá trắm cỏ sử dụng 100% thức ăn công nghiệp
Lượt xem: 323  | Ngày đăng: 15/12/2022

Nhằm giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, thay đổi thói quen nuôi cá đặc biệt là đối tượng cá trắm cỏ, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa triển khai mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cá trắm cỏ sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, với quy mô 01 ha, bước đầu cho kết quả khả quan.

Ao nuôi cá trắm cỏ tại mô hình xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa

Tham gia mô hình 02 hộ ở xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa được hỗ trợ 70% giá giống, 25% thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học xử lý môi trường và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh.

Thời gian triển khai từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2022, các hộ tham gia mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cá trắm cỏ sử dụng 100% thức ăn công nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật do cán bộ chỉ đạo mô mình của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Giảng, thôn Lạc Yên 3, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, hộ tham gia mô hình với quy mô 0,5ha cho biết, gia đình tôi trước kia nuôi cá trắm cỏ áp dụng nuôi theo hình thức kết hợp giữa thức ăn xanh và thức ăn công nghiệp (dùng chung cho nhiều loại cá). Hình thức nuôi ghép này cần nhiều nhân công, năng suất thấp, thời gian nuôi dài... Năm nay, được tiếp nhận mô hình nuôi theo phương thức cho ăn mới thấy cá tăng trọng nhanh, đồng đều, thời gian nuôi ngắn hơn, nhanh cho thu hoạch...

Cá trắm cỏ được nuôi phổ biến trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh, do dễ nuôi, thị trường tiêu thụ ổn định... Hiện, một số đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho cá trắm cỏ, giúp người nuôi có thể thâm canh tăng vụ nhằm nâng cao năng suất, tốn ít nhân lực, thời gian nuôi được rút ngắn.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học và sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp để nuôi thâm canh cá trắm cỏ là một phương thức nuôi mới nhằm tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích góp phần tạo ra môi trường nuôi an toàn hiệu quả và bền vững. Sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp cũng giúp cho cá hạn chế mắc bệnh do tác động của môi trường.

Bà Nguyễn Thị Oanh- cán bộ trực tiếp chỉ đạo mô hình khuyến cáo, trong quá trình nuôi cần điều chỉnh khẩu phần ăn cho cá hợp lý, chú ý không để thức ăn thừa lãng phí và gây ô nhiễm. Cho cá ăn đủ chất và lượng, thức ăn không bị hư thối. Bổ sung vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nuôi với lượng 2 - 3 g/100kg cá/ngày, dùng liên tục 7 – 10 ngày. Sử dụng chế phẩm sinh học Bio Zyme xử lý môi trường ao nuôi định kỳ 2 tuần/lần.

Để chủ động tiêu diệt các mầm bệnh, trước khi đưa cá giống về ao nuôi, cần tắm cho cá bằng nước muối (NaCl) với nồng độ 2% trong 7 - 10 phút để tiêu diệt mầm bệnh. Trong quá trình nuôi cần bón vôi định kỳ 2 tuần 1 lần với liều lượng 2 - 3 kg vôi bột/100 m3 nước ao bằng cách hoà vôi bột vào nước rồi té đều khắp mặt ao vào buổi chiều tối. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh ao, vớt hết rong cỏ, thức ăn thừa và cọng rác của phân xanh. Kiểm tra ao thường xuyên nhất là các đợt mưa lớn hoặc khi thay đổi thời tiết. Phát hiện và xử lý bệnh cá kịp thời, không để phát triển lây lan thành dịch.

Khi cá bị mắc bệnh cần tách riêng những con bị bệnh ra ao riêng để điều trị tích cực. Không thải nước và bỏ cá chết từ ao có dịch bệnh ra ngoài làm lây lan dịch bệnh. Định kỳ vào các tháng giao mùa 3,4,7,8 dương lịch sử dụng chế phẩm sinh học Uni - Bio One trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá với liều lượng 1-1,5 kg/1000kg thức ăn.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Oanh, các hộ được chọn tham gia mô hình trình diễn là những hộ đã có nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá thâm canh tại địa phương. Việc nắm bắt và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi mới không gặp nhiều khó khăn.

Qua theo dõi, đánh giá sau 4 tháng nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 1,5 kg/con phù hợp với định hướng phát triển thủy sản của địa phương, ước sau 06 tháng nuôi trọng lượng trung bình khi thu hoạch khoảng 2,55kg/con. Vậy với tổng diện tích 01 ha (10.000 m2) ước sau 6 tháng đạt năng suất 21,1 tấn/ha, cho lãi trên 200 triệu đồng, cao hơn so với mô hình nuôi cá trắm cỏ thông thường khoảng 100 triệu đồng trên cùng một đơn vị diện tích.

Trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cá trắm cỏ sử dụng 100% thức ăn công nghiệp bước đầu cho thấy năng suất cao hơn từ 3-5 tấn/ha, rút ngắn thời gian nuôi từ 3-5 tháng so với nuôi truyền thống. Tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm lây lan dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh cũng như độc tố trong nuôi trồng thủy sản. Từng bước giúp người nuôi tiếp cận với công nghệ nuôi mới, tiên tiến hơn góp phần thúc đẩy phát triển thủy sản của tỉnh theo hướng an toàn và bền vững.

Đây là hướng nuôi mới, bền vững với môi trường và dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi cá. Đề nghị các cấp, các ngành địa phương và các hộ tham gia mô hình cần tích cực tuyên truyền nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Hương Giang

 

 

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên