Phát huy vai trò khuyến nông trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Lượt xem: 460  | Ngày đăng: 16/11/2022

Vụ mùa 2022, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lạng Giang triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ có tổng diện tích 39 ha với 319 hộ tham gia, thực hiện tại xã Mỹ Thái 21ha và Thị trấn Kép 18 ha.

Giống lúa thuần J02 nguyên chủng được đưa vào sản xuất trong mô hình. Đây là giống lúa thuần dòng JAPONICA chất lượng có nguồn gốc từ Nhật Bản được Viện di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, Công ty CP vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam độc quyền sản xuất và phân phối.

Mô hình lúa J02 thị trấn Kép, Lạng Giang

Xác định liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cung ứng giống lúa J02, tập huấn, tư vấn kỹ thuật và tổ chức thu mua thóc cho bà con nông dân tham gia mô hình.

Nói về việc thực hiện liên kết, ông Lê Hồng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: ngay từ khi triển khai mô hình ngoài việc chỉ đạo nông dân sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ, Trung tâm đã liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và khâu nối hợp đồng thu mua thóc J02 cho các hộ tham gia mô hình. Khi lúa được thu hoạch Công ty đến thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ cho bà con.

Theo ông Đoàn Văn Huy, Công ty CP Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, đơn vị có nhu cầu bao tiêu toàn bộ thóc cho bà con, tuy nhiên do J02 là giống lúa thuần chất lượng cao, gạo thơm, cơm mềm, dẻo, vị đậm nên nhiều hộ dân không bán mà giữ lại để ăn. Vì vậy, Công ty chỉ thu mua được khoảng hơn 1/3 sản lượng thóc tươi theo kế hoạch với giá dao động từ 6.000- 7.000 đồng/kg và  một phần thóc khô với giá 10.000 đồng/kg của bà con nông dân trong mô hình có nhu cầu bán.

Công ty thu mua thóc J02 tại thị trấn kép

Áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, bảo vệ môi trường, cải tạo đất phục vụ sản xuất lâu dài, bền vững. Đồng thời, nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện mô hình cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát đồng ruộng, kịp thời chỉ đạo sản xuất theo hướng hữu cơ nên giúp chúng tôi hiểu và thực hiện dễ dàng hơn. Đặc biệt, sản xuất theo hướng hữu cơ giúp tạo ra gạo sạch- ông Đặng Đình Nguyên, tổ dân phố Cả, thị trấn Kép, huyện Lạng Giang chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Ngọc Thấy - hộ tham gia mô hình ở tổ dân phố Hạ, thị trấn Kép, huyện Lạng Giang phấn khởi cho biết: vụ mùa 2022, gia đình tôi gieo cấy 5 sào giống lúa thuần chất lượng cao J02. Khi lúa được thu hoạch tôi bán 6 tạ thóc tươi còn lại để ăn. Tuy nhiên, năm nay sản xuất theo mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm nên chúng tôi nhàn hơn rất nhiều do giảm được công vận chuyển thóc về nhà cũng như phơi khô thóc vì Công ty có ô tô đến thu mua thóc tươi ngay tại đầu bờ và thanh toán tiền ngay cho bà con. Nhờ đó, chúng tôi không phải lo đầu ra và tránh được tình trạng thương lái ép giá.

Qua thực tế sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôi thấy mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 cho hiệu quả cao. Mong rằng Trung tâm Khuyến nông, các cấp chính quyền tiếp tục triển khai các mô hình liên kết trong những vụ tiếp theo giúp người dân chúng tôi yên tâm đầu tư phát triển sản xuất- anh Thấy chia sẻ thêm.

Có thể thấy, nhờ có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên nông dân không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, yên tâm đầu tư sản xuất. Liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo đảm lợi ích của các bên tham gia…Tuy nhiên, trong thực tế sau khi ký kết hợp đồng một số nông dân chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo cam kết làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Thời gian tới, để thúc đẩy quá trình thực hiện liên kết cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động, có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp… góp phần phát triển các mô hình liên kết bảo đảm hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: Kim Lan

 

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên