Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT
Lượt xem: 291  | Ngày đăng: 26/09/2022

Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường và đây là xu hướng tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

Thiết bị bay không người lái phun thuốc Bảo vệ thực vật tại huyện Tân Yên

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và yêu cầu tất yếu của việc chuyển đổi số đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và PTNT đã  thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động và xây dựng các Kế hoạch, trong đó phân công rõ nhiệm vụ từng phòng, đơn vị trong triển khai thực hiện và xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành, nguồn lực thực hiện đối với từng nhiệm vụ.

Với sự nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, việc ứng dụng chuyển đổi số ngày càng được đẩy mạnh và đã đạt được một số kết quả nổi bật như: thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 -2025. Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp tiếp tục số hoá cho 129 vùng trồng cây ăn quả tập trung; xây dựng mã Qrcode, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 15 Hợp tác xã, doanh nghiệp; Xây dựng gian hàng không gian ảo lên sàn thương mại điện tử cho 29 hợp tác xã. Tiếp tục triển khai đề án tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh giai đoạn 2021-2025 dự kiến 19 ha với 15 hộ dân tại 03 huyện Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hòa tham gia; đề án hỗ trợ triển khai cho người nuôi thủy sản bao gồm các hệ thống máy móc như máy cho ăn tự động, máy tạo oxy, hệ thống camera, tủ điển khiển từ xa, con giống…

Ứng dụng thiết bị bay không người lái (Flycam) vào tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; kịp thời phát hiện cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật để ngăn chặn, xử lý triệt để; kịp thời phát hiện ra sâu bệnh hại rừng để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời làm cho rừng được bảo vệ tốt hơn. Ứng dụng công nghệ thông tin và GIS (Hệ thống thông tin địa lý) vào xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng và theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp hàng năm. Đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS) toàn quốc.

Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các mô hình chuyển đổi số như mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi cá rô phi thâm canh quy mô 02 ha, triển khai tại xã Minh Đức, Nghĩa Trung huyện Việt Yên và xã Tân Thanh huyện Lạng Giang; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cá trắm cỏ sử dụng 100% thức ăn công nghiệp quy mô 01 ha tại xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa; mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang và xã Tự Lạn, huyện Việt Yên với quy mô 34 ha, 307 hộ tham gia; mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2022 cho 12 hộ tham gia  với quy mô 10ha ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.

Ứng dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản trao đổi với các cơ quan hành chính Nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 100%; tỷ lệ văn bản trao đổi với các cơ quan hành chính Nhà nước áp dụng chữ ký số là đạt 100%. Sở đã thực hiện tốt việc cập nhật thông tin trên phần mềm theo dõi và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện của UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng phòng họp trực tuyến của Sở để nâng cao chất lượng công tác họp, trao đổi chuyên môn, phổ biến văn bản và đào tạo, tập  huấn qua hình thức trực tuyến và hướng tới mục tiêu không tập trung và không giấy tờ trên phạm vi toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số để hoàn thiện Chính quyền điện tử và phát triển Chính quyền số của tỉnh cũng như ngành Nông nghiệp vẫn còn những tồn tại hạn chế như hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin, hạ tầng mạng internet, truyền thông cũ, lạc hậu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng cho yêu cầu chuyển đổi số, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu. Nội dung chuyển đổi số là nội dung mới, chưa có các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, phát triển, thúc đẩy đổi mới công nghệ; Nguồn kinh phí bố trí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu theo Nghị Quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh…

Phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, Sở Nông nghiệp xây dựng một số nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới đó là tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu các phòng, đơn vị trực thuộc trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số để xây dựng thành công “cơ quan số” tại đơn vị mình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục tuyên truyền và tổ chức phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số qua các hình thức khác nhau như: Cổng thông tin điện tử của Sở; các ứng dụng phần mềm, qua các cuộc họp giao ban định kỳ của cơ quan,…

 Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng; bảo đảm tính liên thông giữa các phòng, đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục, tin học hóa tối đa các hoạt động trong quy trình thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất để tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; Phát triển các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các địa phương; bảo đảm triển khai đồng bộ với việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin…

Bài, ảnh: Kim Lan

 

Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên