Cách nhận biết và kỹ thuật bón phân cho cây lúa giai đoạn đứng cái ở vụ mùa
Lượt xem: 1623  | Ngày đăng: 24/08/2022

Hiện nay, người trồng lúa còn lúng túng, chưa có căn cứ nhận biết thời điểm lúa đứng cái, từ đó dẫn tới bón phân thúc cho lúa chưa kịp thời, đặc biệt xác định sai thời điểm bón, bón quá sớm hoặc bón quá muộn khi lúa đã hình thành đòng (bóc dảnh cái thấy đòng đã dài), đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả trong thâm canh lúa, xin giới thiệu với bà con nông dân một số cách nhận biết và kỹ thuật bón phân cho cây lúa giai đoạn đứng cái - vụ mùa 2022.

Cách nhận biết và thời điểm bón

Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của giống và số ngày sau gieo

Mặc dù thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa khác nhau tùy vào giống nhưng các giống lúa đều có 2 giai đoạn tương đương nhau đó là thời gian từ đứng cái đến trỗ từ 25 ngày và thời gian từ trỗ đến chín cũng kéo dài 25-30 ngày (Các giống có bông to, trọng lượng nghìn hạt lớn thì chín chậm hơn). Như vậy thời điểm bón phân được xác định bằng cách lấy thời gian sinh trưởng của cây lúa trừ đi 50-55 ngày.

Ví dụ ở vụ mùa, với giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng là 105 ngày thì thời điểm bón sẽ là 105 trừ 50-55 bằng 45-50 ngày sau gieo mạ.

Tuy nhiên việc căn cứ vào thời gian sinh trưởng để bón chỉ đúng trong trường hợp thời tiết thuận lợi, kỹ thuật canh tác đồng bộ. Nếu thời tiết bất thuận như mưa kéo dài đầu vụ hoặc đất xấu, canh tác kém cây sinh trưởng không tốt thì ngoài căn cứ này phải kết hợp thêm 2 căn cứ sau đây để xác định đúng thời điểm bón.

Căn cứ vào hình thái cây lúa

Có thể quan sát một số đặc điểm (Lúa chuyển từ giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng sang sinh trưởng sinh thực): Cây lúa có sự biến đổi rõ rệt như tròn khóm, thân cứng, các lá đứng, lá gọn đầu lá, hai cổ lá trên cùng bằng nhau, gần chóp lá lúa có hiện tượng thắt eo, ruộng lúa ngả màu vàng chanh.

Để cây lúa ngả màu vàng chanh vào thời điểm bón đón đòng thì khi được 32 -35 ngày sau gieo (đối với những giống lúa ngắn ngày) hoặc lúa có trung bình 7 - 8 dảnh/khóm, tiến hành rút cạn nước để hạn chế việc đẻ nhánh vô hiệu, đồng thời giúp cho cây lúa chuyển sang trạng thái đứng cái nhằm quang hợp tốt hơn, ít sâu bệnh hơn.

Căn cứ vào trạng thái đòng (bóc đòng để kiểm tra)

Bóc dảnh cái của cây lúa thấy 2,5 đốt, đòng dài 1- 2mm (đòng cứt gián) thì bón phân ngay ở giai đoạn này là chính xác nhất.

Lượng phân bón đón đòng

Tùy theo từng chân ruộng, giống và loại đất để xác định số lượng phân bón. Nếu bón phân đơn, trung bình lượng bón cho 01 sào 360 m2: Đạm Urê từ 0,5 - 1,0kg (20% tổng lượng bón), Kali clorua từ 2 - 3kg (50% tổng lượng bón). Những ruộng tốt, lá xanh đậm, thì giai đoạn này giảm lượng đạm về mức tối thiểu hoặc không bón.

Một số lưu ý:

- Không xác định số lượng phân bón trước, mà phải thăm đồng nhìn màu lá và tình hình sinh trưởng của ruộng lúa, từ đó đưa ra lượng phân bón cụ thể phù hợp cho từng ruộng.

- Giai đoạn lúa đứng cái rất mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại, ở giai đoạn này bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời một số đối tượng: Sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh khô vằn, chuột… Đảm bảo duy trì mực nước trong ruộng 3 - 5cm để thuận lợi cho cây lúa làm đòng.

- Giai đoạn làm đòng cây lúa cần tích lũy nhiều dinh dưỡng để nuôi đòng do đó cây lúa có nhu cầu rất cao. Tuy nhiên, việc bón phân cũng cần lưu ý một số vấn đề đó là bón vừa đủ. Sử dụng kết hợp đạm với kali, có tác dụng kích thích quá trình vận chuyển chất dinh d­ưỡng về hạt, làm chắc hạt, sáng hạt, làm cứng cây, cứng dảnh, tăng khả năng quang hợp, tăng năng suất và chất l­ượng gạo./.

Bài: Mạnh Hùng

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên