Lục Nam: Khởi nghiệp thành công từ mô hình chăn nuôi lợn nái
Lượt xem: 244  | Ngày đăng: 03/01/2022

Em Nguyễn Đăng Tuyên sinh năm 1991 ở thôn Hà Mỹ, xã Đông Hưng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Lục Nam. Hiện em đang sở hữu một trang trại chăn nuôi khang trang, sạch sẽ với 80 con lợn nái siêu nạc và giàn lạnh, hệ thống biogas hoàn thiện.

Chia sẻ với chúng tôi, Tuyên cho biết: “Khi mới làm gia đình phản đối em kịch liệt nhưng may mắn là thành công đã mỉm cười ngay từ năm đầu nên con đường phát triển có nhiều thuận lợi. Em chọn khởi nghiệp từ mô hình nuôi lợn nái vì em yêu thích nghề nông từ nhỏ, hơn nữa lại theo xu hướng thị trường con lợn luôn là chủ lực”. Từ suy nghĩ ấy, năm 2014 Tuyên mua 20 con lợn nái về nuôi và thu lãi hơn 300 triệu đồng. Rồi em mở rộng quy mô lên 50 nái và hiện nay có 80 nái, bố trí thành 4 chuồng nuôi riêng biệt gồm 1 khu chuồng bố mẹ, 1 khu cai sữa, 1 khu chuồng nuôi thịt và 1 khu lợn đẻ.

Với Tuyên “làm phải ham” nên em đã sớm tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm chăn nuôi lợn nái hiệu quả mà không bị ảnh hưởng quá lớn bởi thị trường giá cả. Em học tập qua Iternet, tham quan thực tế, thường xuyên trao đổi và được tư vấn của cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y xã, cán bộ kỹ thuật của Công ty cám… Minh chứng là hai năm trở lại đây khi giá lợn giảm sâu thì mô hình chăn nuôi của em vẫn duy trì tương đối ổn định, bị ảnh hưởng nhẹ. Theo đó, khi đưa hậu bị lên phối, nếu phối lần đầu thất bại có thể đào thải, không phối lại; thời gian phối tốt nhất là lúc 5 giờ sáng thời tiết mát và yên tĩnh; đặc biệt trong thời gian 1 tháng đầu khi phối giống xong không nên chuyển nái vì đây là thời kỳ hình thành thai nhi, ảnh hưởng đến tỷ lệ đẻ ít hay nhiều. Mỗi nái duy trì từ 11-12 con lợn con, không để quá ít vì giảm hiệu quả kinh tế, không nên để quá nhiều sẽ nhanh hại nái.

Em đầu tư hàng trăm triệu đồng xây hầm biogas cỡ lớn để xử lý chất thải kịp thời tránh nhiễm khẩu âm hộ, vú khi nái nằm xuống; mỗi đầu nái đều có lịch ghi rõ ngày động dục, ngày phối, ngày sinh đẻ cùng máng ăn, uống tự động ngăn nắp, an toàn; hệ thống giàn lạnh hiện đại giúp người tham quan luôn có cảm giác khoan khoái, mát mẻ khi vào tham quan khu chuồng nuôi. Bên cạnh đó, khâu vệ sinh, tiêm phòng được Tuyên chú trọng quan tâm. Định kỳ rắc vôi khử trùng, quản lý tốt môi trường xung quanh, chủ động tiêm phòng cho đàn lợn theo đúng quy trình, lựa chọn loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn. Do vậy đàn lợn nái của em luôn khỏe, ít bệnh, loại thải lợn nái chậm, thời gian đẻ khoảng 2 – 2,2 lứa/năm, tỷ lệ lợn con sống cao.

Hiện nay, trang trại của em Tuyên một tháng xuất bán 200 con lợn con, giá bán 1,2-1,5 triệu/con, trừ chi phí trung bình lãi khoảng 200 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay em xuất bán hơn 1000 con lợn con, thu về hàng tỷ đồng lợi nhuận.

Thời gian tới, em Tuyên sẽ duy trì quy mô đàn nái hiện có, tập trung nâng cao chất lượng con giống theo hướng an toàn; đồng thời phát triển mạng lưới phân phối thức ăn cám công nghiệp chất lượng tốt cho các hộ chăn nuôi lân cận; tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ chăn nuôi lợn để nuôi cá, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên