TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Nhằm phục vụ cho thị trường Tết Bính Thân 2016, nhiều nông dân ở thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu huyện Việt Yên đang tất bật chăm sóc cây huệ trắng để thu hoạch bông đúng thời điểm, bông to đẹp và bán được giá. Đây cũng là nghề truyền thống giúp nhiều nông dân trồng lúa thoát nghèo vươn lên khá giả.
Hoa huệ biểu trưng cho sự tinh khiết, trong sáng với hương thơm nhẹ nhàng, quyến rũ. Bởi vậy, nó được nhiều người dân ưa thích, lựa chọn không chỉ để chưng mà còn để cúng phật và thánh thần. Tại các đình chùa, miếu mạo trong các ngày lễ, ngày Tết không bao giờ thiếu huệ.
Bà Nguyễn Thị Oanh, thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, từng trồng huệ nhiều năm cho biết loài hoa này có đầu ra rất ổn định, đa số người trồng đều thành công. Bà cho biết, huệ trắng tương đối dễ trồng được thị trường ưa chuộng, nhưng muốn đạt hiệu quả kinh tế, người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, đặt giống cho đến việc phòng trừ sâu bệnh. Trồng huệ, tốt nhất là sử dụng phân rơm được ủ hoai mục, kết hợp với phân vô cơ. Nếu vùng đất nào có nhiều nguyên tố vi lượng, cây huệ sẽ ra bông to, đẹp và thơm hơn các nơi khác. Ngoài ra, trong suốt quá trình cây phát triển, người trồng phải bón phân và phun thuốc đúng kỹ thuật để giúp cây ra hoa và hoa đạt chất lượng.
Do đặc tính của cây huệ trắng không thích nghi với nền đất cũ nên cứ sau vài ba năm thu hoạch, muốn trồng lại cần phải thay đổi vị trí cũ, lên luống mới không trùng với luống cũ. Và cứ thế, sau một vài vụ lại quay về nền cũ, giống như luân canh. Muốn cho huệ phát triển tốt, giống trồng phải là củ huệ từ năm trước, đào lên đặt nơi mát mẻ và được xử lý trừ rệp sáp ngay từ ngoài đồng. Nhờ mạnh dạn áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên nhiều năm liền bà Oanh đều được mùa huệ, thu nhập ngày càng ổn định.
Gia đình bà Nguyễn Thị Loan có hơn 800m2 cho biết, hoa huệ chính vụ vào tháng 4, 5 lúc đó hoa sẽ đạt cả số lượng và chất lượng, sang mùa đông thì cây cho ít hoa, hoa cũng nhỏ và bông ngắn hơn. Tuy nhiên giá bán các mùa cũng rất ổn định vào mùa này khoảng 25.000 – 30.000 đồng/chục. Đặc biệt là các ngày lễ, tết, rằm, ba mươi hàng tháng giá hoa huệ sẽ cao hơn, nhiều lúc không đủ bán. Bà Loan chia sẻ thêm, thu hoạch huệ nên vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thu lúc trời nắng hoặc để lâu không ngâm nước bông huệ sẽ bị hở yếm. Trồng huệ thu hoạch quanh năm, kể từ ngày trồng cho đến lúc ra hoa khoảng ba tháng, nhưng năng suất cao nhất bắt đầu từ năm thứ hai. Cứ vài ngày lại được cắt hoa một lần và có thương lái đến tạn ruộng mua theo giá thỏa thuận, người trồng không phải mang hoa ra chợ. Đối với những hộ trồng đạt, sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm cũng lãi từ 15-20 triệu đồng/sào cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Do đó, nhiều người tỏ ra rất phấn khởi và tự tin, coi đây là một trong những mô hình có hiệu quả và bền vững.
Để giúp nông dân phát huy thế mạnh từ trồng huệ, Phòng Nông nghiệp &PTNT, Trạm Khuyến nông của huyện đã tăng cường chuyển giao kỹ thuật canh tác, mở các lớp tập huấn hỗ trợ nông dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Cây huệ trắng sống được trong các điều kiện khắc nghiệt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Tuy nhiên, nông dân nên tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường, nắm vững kỹ thuật canh tác trước khi bước vào trồng huệ trắng để giảm thiểu rủi ro, từ đó giúp bà con trồng huệ trắng có thu nhập ổn định, bền vững.
Bài, ảnh: Hương Giang