Bắc Giang: Xây dựng thành công mô hình nuôi cá Diêu hồng trong lồng
Lượt xem: 1055  | Ngày đăng: 02/01/2022

Với 26.000 ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, Bắc Giang được xác định là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, trước đây đối tượng nuôi chủ yếu là những loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè... cùng với hình thức nuôi thả tự do hoặc nuôi theo hình thức bán thâm canh... Vì vậy hiệu quả  kinh tế không cao, chưa phát huy được hết nội lực vốn có của vùng miền. Xây dựng mô hình nuôi cá Diêu hồng trong lồng sẽ mở ra một hướng đi mới hiệu quả cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Yên Thế.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 70 hồ chứa, trong đó tại huyện Yên Thế có nhiều hồ chứa lớn như hồ Suối Cấy, Đá Ong, Cầu Dẽ và An Thượng. Tổng diện tích các hồ chứa gần 400 ha. Một số hồ chứa đã đưa vào nuôi thủy sản nhưng đa phần là thả các đối tượng cá truyền thống giá trị kinh tế không cao như cá mè, cá trôi, cá chép... Tuy nhiên lại khó thu hoạch vì nền đáy của các hồ không bằng phẳng, đá ngầm nhiều.

Theo số liệu thống kê, trong những năm 2005-2007 tỉnh Bắc Giang có hơn 300 lồng nuôi cá, tập trung ở các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn... Tuy nhiên, lồng nuôi đều được làm từ tre nên quá trình kiểm tra và thu hoạch cá thường gặp khó khăn, đặc biệt khi có mưa bão rất khó di chuyển. Hơn nữa qua mỗi vụ sản xuất không vệ sinh khử trùng được lồng nên nuôi cá rất hay mắc bệnh dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Từ đó các hộ đã bỏ dần phong trào nuôi cá trong lồng, giai đoạn 2009-2012 tỉnh Bắc Giang không còn áp dụng hình thức nuôi này. Nhằm khắc phục những hạn chế trên, năm 2014 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Thế triển khai mô hình nuôi cá Diêu hồng trong lồng, quy mô 100 m3 tại Hồ Suối Cấy xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế. Thực tế khảo sát tại địa phương chọn được 02 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ quy mô 50 m3 . Sau 5 tháng triển khai, đến nay mô hình cho kết quả khả quan. Cá đạt trọng lượng bình quân 600 g/con, tỷ lệ sống đảm bảo trên 85%, năng suất ước đạt 50 kg/m3, sản lượng thu ước đạt trên 5 tấn cá thương phẩm, trừ  toàn bộ chi phí lãi trên 49 triệu đồng.

Theo tính toán, chi phí để làm một lồng nuôi cá thể tích 50m3 bao gồm tiền mua lưới gần 1 triệu đồng, khung tre gần 800 nghìn đồng, phao neo đậu khoảng 1,5 triệu đồng, dây buộc 150 nghìn đồng, công thợ 350 nghìn đồng tổng chi phí gần 4 triệu đồng, khấu hao sử dụng lồng khoảng 50% - 70% trên một năm. Như vậy một lồng có thiết kế khung tre, phi nhựa và lưới lồng như trên có thể nuôi khoảng 3 vụ, chi phí mỗi vụ cho lồng nuôi khá thấp, từ 1,2 - 1,5 triệu đồng, phù hợp với những hộ nuôi mới có vốn đầu tư ít, những địa bàn vùng núi nơi có nhiều tiềm năng về hồ chứa, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có địa phương là tre, gỗ để làm khung lồng. Mặt khác, năng suất nuôi theo phương thức này được nâng cao do có thể thả cá với mật độ cao, chọn đối tượng mới có khả năng sinh trưởng nhanh. Đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế cho người nuôi. 

Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Hà Văn Tuấn ở Mỏ Hương xã Đồng Hưu cho biết, gia đình ông đã nuôi cá nhiều năm nhưng trước đây chủ yếu nuôi cá truyền thống. Năm nay, được sự tư vấn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cá Diêu hồng trong lồng và tham quan thực tế một số mô hình nên khi bắt tay vào nuôi thấy thuận lợi, dễ làm. Quá trình nuôi cá Diêu hồng trong lồng thấy nhiều ưu điểm là: tận dụng tối đa diện tích mặt nước, hạn chế được việc thất thoát cá do ngập lụt, dễ dàng thu hoạch, đặc biệt cá Diêu hồng có khả năng thích ứng tốt với điều kiện mật độ nuôi dày, sử dụng tốt thức ăn công nghiệp, cá ít bị bệnh, tăng trưởng nhanh, dễ thích nghi với điệu kiện môi trường, thịt thơm ngon và ít xương.

Đánh giá về thành công của mô hình, ông Lý Văn Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Bắc Giang nhấn mạnh, mô hình triển đã mở ra một hướng đi mới cho người dân huyện Yên Thế và những huyện có nhiều hồ như Lục Ngạn, Lục Nam, là tiền đề cho bà con nhân dân nuôi cá trong vùng học tập và áp dụng làm theo. Sau khi mô hình được nghiệm thu, các hộ tham gia và nhiều hộ dân lân cận đều cho rằng nên tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình nuôi cá Diêu hồng trong lồng, góp phần thay đổi phương thức nuôi cá cho các hộ dân và nâng cao đời sống gia đình. 

Bài, ảnh: Hương Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên