Cam Đường canh trên đất Lục Ngạn
Lượt xem: 226  | Ngày đăng: 07/12/2021

Nhiều người bảo anh là không bình thường khi bỗng dưng chặt hết vải thiều để trồng cam trong khi Nhà nước đã bỏ ra không ít tiền để "cứu" vườn cam Bố Hạ mà không được. Rồi, giữa vùng vải mọc lên một vườn cam thì chỉ có tổ làm mồi cho chim chóc và sâu bệnh... Cứ lặng lẽ làm rồi chấp nhận cả những thất bại do thiếu kiến thức, song với bản lĩnh cùng với sự tự tin vào khoa học kỹ thuật, anh luôn hy vọng mình sẽ chiến thắng. Mấy năm nay, vườn cam đều cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Trang trại trồng cam của anh tại thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. Cách đây ít lâu, có dịp cùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm vườn cam, tôi đã mê cách làm giàu từ cây cam Đường canh của gia đình. Anh phân tích rạch ròi những điểm mạnh, hạn chế của cây cam như một chuyên gia nông nghiệp thực thụ. Qua 6 mùa cam nếm đủ cả cay đắng, ngọt bùi, anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, bài học quý. Anh cho biết, giống cam này là loại cây ăn quả khó tính nên chăm sóc đòi hỏi rất công phu, theo một quy trình nghiêm ngặt, khó nhất là khâu điều tiết nước. Cây cam luôn đủ độ ẩm để sinh trưởng, song mức độ bao nhiêu, khi có quả thì thế nào là cả một công đoạn quan trọng đòi hỏi phải thực hiện chính xác, khâu này quyết định đến chất lượng quả. Được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông huyện, anh đã đầu tư 140 triệu đồng khoan giếng, lắp đặt hệ thống phun mưa tự động với 200 vòi khắp khu vườn. Năm 2008, nhờ biện pháp kỹ thuật là cho nửa vườn cam ở khu thấp "nghỉ" nên dù bị lũ lụt, anh vẫn thu được trên 20 tấn quả. Vào mùa thu hoạch, vườn cam trông thật thích mắt, những cây cam cao hơn đầu người trĩu trịt quả chín vàng rực, phải dùng cây chống để đỡ quả. Vụ cam vừa qua, gia đình anh thu hơn 80 tấn quả, tư thương ở Hà Nội đặt mua với giá hơn 20 ngàn đồng/kg. Khác với giống cam khác, cam Đường canh ở đây quả chỉ to như quả quýt nhưng rất mọng nước. Tôi được anh giải thích: Đây chính là điều khác biệt của cam do anh trồng so với cùng giống này ở nơi khác trồng, càng phân biệt với cam Vinh, cam Hà Giang, Trung Quốc... Nếu để cam phát triển tự nhiên giống này cũng phát triển không khác các giống cam trên, chỉ có điều múi bị khô, quả bộp, không ngọt. Đây là kỹ thuật "xiết nước", có nghĩa là quả càng nhỏ, giữ được nước nhiều, cam càng ngọt sắc và thơm, mẫu mã quả cũng đẹp hơn. Đây chính là "bí quyết" mang lại thành công cho giống cam Đường canh trồng trên đất vải Hồng Giang, chất lượng cao hơn bất cứ nơi nào ngay cả chính nơi sinh ra nó. Là loại cây trồng khó tính, dễ bị sâu bệnh, (điển hình là bệnh vàng lá gân xanh) thường xuất hiện sau mùa mưa. Ngoài ra, các loại bệnh phát trên lộc non do côn trùng gây ra như: nhện, ruồi vàng, sâu đục thân... cũng là những tác nhân gây bệnh hại cần duy trì chế độ phun thuốc bảo vệ theo định kỳ 15 ngày/lần.
Theo anh, trồng cam không khó nhưng cần sự đam mê và phải đầu tư. Vấn đề nan giải hiện nay là sự phá hoại của các loại chim, đặc biệt là chim chào mào và vành khuyên. Cam càng chín chúng càng phá mạnh. Hiện nay, anh đã xây dựng 4 chòi cao gần 10m ở 4 góc vườn, dùng đủ các loại âm thanh để đuổi chim. Theo anh, chỉ cần một ngày "sổng", đàn chim có thể phá hoại thiệt hại hàng chục triệu đồng. Anh đang nghiên cứu những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, có vậy trồng cam mới an toàn và chắc thắng. Dù dành bao tâm huyết và tiền của cho một mô hình làm ăn mới bước đầu mang lại hiệu quả cao, song ngọn lửa đam mê làm giàu của người lính tăng chưa bao giờ ngừng lại còn nhiều khát vọng lắm. Vườn cam này anh đã đầu tư 1,6 tỷ đồng khai khẩn, thay thế cây trồng mới mỗi năm trừ chi phí còn dư hàng trăm triệu đồng, nhờ vườn cam, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động có lúc đến cả trăm người vào mùa thu hoạch. Chưa dừng lại ở quy mô hơn trang trại trồng cam với 2,5 ha gần 5000 gốc này, anh còn dự định vào khu hồ Đá Mài để đầu tư tiếp trang trại tổng hợp trong đó có cả cây cam. Anh cũng sẽ chọn lọc, nhân giống để có một bộ giống tốt, ổn định phục vụ cho việc mở rộng trang trại của mình và cung cấp cho bà con trong vùng.
Nói về anh bây giờ mọi người đều có chung một cảm nhận: anh là một người năng động dám nghĩ dám làm, biết tìm hướng đi mới để làm giàu. Mô hình của anh đã, đang được nhiều hộ nông dân trong thôn, xã học tập, làm theo. Anh là Bùi Đức Long, sinh năm 1966 ở phố Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn.

Đoàn Anh Tuấn
Theo: Báo Bắc Giang Online

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên