Người dân Sơn Động tích cực trồng rừng gỗ lớn
Lượt xem: 303  | Ngày đăng: 19/07/2024

Dự án khuyến nông trung ương xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lá tràm mô dòng AA9, được Trung tâm Khuyến nông triển khai năm 2023 tại huyện Sơn Động, bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về mật độ rừng trồng, đồng thời sử dụng các giống có chất lượng cao vào trồng rừng gỗ lớn.

Với diện tích 33 ha, 13 hộ tham gia tại xã Vân Sơn và Hữu Sản. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% cây giống; hỗ trợ phân bón trong 3 năm đầu. Ngoài ra, các hộ được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc và bảo vệ cây sau trồng như: làm cỏ kết hợp với xới gốc, tỉa thưa theo chu kỳ, bón phân cho cây theo đúng yêu cầu kỹ thuật...

Ông Nông Văn Điệp- Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Sơn Động, cán bộ chỉ đạo dự án tại xã Hữu Sản cho biết, qua theo dõi các hộ dân đều thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật; tỷ lệ cây sống đạt trên 95%; sau gần một năm trồng, chiều cao cây đạt 3,5-4m, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Để nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng và đặc biệt là rừng trồng gỗ lớn thì khâu giống và kỹ thuật lâm sinh có vai trò then chốt. Vì vậy, việc xây dựng các dự án trồng rừng thâm canh có năng suất cao bằng các giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được công nhận là rất cần thiết trong việc hỗ trợ, thúc đẩy triển khai dự án trồng rừng gỗ lớn cũng như phát triển lâm nghiệp tại Sơn Động- ông Nguyễn Đình Yên- chủ nhiệm Dự án (Trung tâm Khuyến nông) chia sẻ.

Ông Đào Xuân Vinh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (bên trong) thăm, kiểm tra mô hình tại xã Vân Sơn

Đánh giá về hiệu quả dự án mang lại, ông Yên nhấn mạnh, đối với sản xuất: Xây dựng dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lá tràm mô dòng AA9 đáp ứng mục tiêu phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây Keo lá tràm mô dòng AA9, kỹ thuật thâm canh rừng trồng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm rừng trồng đối với trồng rừng cung cấp gỗ nguyên liệu. Mặc dù, cây keo là những đối tượng rất phổ biến tại các địa phương, nhưng người dân vẫn chưa chú trọng vào khâu giống, thâm canh trồng rừng gỗ lớn.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế – xã hội, trong trồng rừng sản xuất hiện nay, người dân vẫn đang thực hiện trồng rừng gỗ nhỏ rừng mới 4 – 5 tuổi đã khai thác non, giá trị kinh tế thấp. Trồng rừng gỗ lớn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần trồng rừng gỗ nhỏ, với chu kỳ 10 năm đạt đến giá trị 350-400 triệu đồng/chù kỳ kinh doanh. Dự án trồng rừng gỗ lớn Keo lá tràm mô dòng AA9 là điểm trình diễn để người dân học tập làm theo, tạo lòng tin cho người dân trong chuyển hướng kinh doanh rừng trồng đem lại giá trị kinh tế cao.

Về môi trường: Trồng rừng gỗ lớn là giải pháp giúp cải tạo môi trường sinh thái, chống xói mòn, rửa trôi. Với thời gian kinh doanh 10 năm trở lên, đất đai sẽ được cải tạo, tăng độ phì của đất, hệ sinh thái ổn định bền vững, ổn định nguồn nước ngầm, cải tạo được điều kiện tiểu khí hậu, tạo môi trường trong lành, giảm thiểu sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra: lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán… tại các địa phương. Các giống đưa vào trồng rừng là những giống nuôi cấy mô, giống mới nên sẽ hạn chế được các dịch bệnh phát sinh trong trồng rừng.

Dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhận thức của các hộ gia đình về trồng rừng gỗ lớn và sử dụng giống Keo lá tràm mô dòng AA9, giống cây có chất lượng cao để đầu tư trồng rừng. Đặc biệt, là tổ chức sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp chế biến gỗ.

Đại diện hộ tham gia dự án, ông Đặng Thắng Tú ở thôn Gà, xã Vân Sơn cho biết “gia đình tôi đăng ký trồng 5ha. So với các dòng keo trước kia tôi đã trồng thì giống Keo lá tràm mô dòng AA9 phát triển tốt, hy vọng thời gian tới, dự án đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trong thôn”.

Được biết, sau 8-12 năm dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lá tràm mô cho khai thác gỗ. Gỗ keo dùng để chế biến rất đa dạng như sẻ ván, ván bóc, gỗ keo băm ép ván, gỗ keo được làm than hoạt tính xuất khẩu… Dự kiến, mỗi một ha trồng rừng gỗ lớn bằng giống Keo lá tràm mô lãi khoảng 350- 400 triệu đồng.

Sự thành công của dự án sẽ giúp bà con nông dân tiếp cận được kỹ thuật mới, từng bước thay đổi tâp quán canh tác lạc hậu, phương thức sản xuất truyền thống kém hiệu quả sang phương thức sản suất mới là thâm canh tăng năng suất gắn với việc đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Hương Giang
TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên