Yên Thế: Dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân
Lượt xem: 165  | Ngày đăng: 23/01/2024

Căn cứ vào điều kiện thời tiết cũng như dự báo của cơ quan chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Yên Thế vừa đưa ra dự báo tình hình sâu, bệnh chủ yếu gây hại đối với một số cây trồng chính vụ Xuân và khuyến cáo bà con nông dân biết và phòng trừ.

Theo đó, trên lúa xuân bà con cần lưu ý các sâu bệnh hại như: Bọ trĩ, dòi đục lá: Phát sinh từ đầu vụ gây hại từ giai đoạn mạ - lúa mới cấy, gây hại gia tăng trên các diện tích cấy mạ non, mạ khay, ruộng gieo sạ.

Tập đoàn rầy:  Lứa 1, rầy cám phát sinh và tích lũy từ đầu tháng 3, gây hại nhẹ trên lúa xuân giai đoạn hồi xanh- đẻ nhánh. Lứa 2: Rầy cám nở rải rác từ đầu tháng 4, nở rộ vào trung tuần tháng 4 gây hại gia tăng cục bộ trên lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng - trỗ bông.Lứa 3: Rầy cám nở rộ từ trung tuần tháng 5 tích lũy và gây hại trên lúa giai đoạn chắc xanh - chín.

Sâu cuốn lá: Lứa 1, trưởng thành (bướm) ra rộ từ trung tuần tháng 3, sâu non gây hại giai đoạn lúa đẻ nhánh. Lứa 2: Trưởng thành ra rộ từ trung tuần tháng 4, sâu non nở rộ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 gây hại lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng - trỗ. Lứa 3: Sâu non ra rộ cuối tháng 5 gây hại gia tăng và hại nặng trên diện tích lúa cấy muộn.

Sâu đục thân: Sâu đục thân cú mèo, sâu đục thân 5 vạch, sâu đục thân 2 chấm có khả năng phát sinh gây hại nặng cục bộ ruộng trên các trà lúa từ giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trỗ bông.

Ngoài ra một số đối tượng sâu, bệnh hại khác có khả năng phát sinh, gây hại trên lúa xuân như: Nhện gié, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu xanh, bọ xít, ruồi vàng, rầy nâu nhỏ, rầy xanh đuôi đen, châu chấu, chuột hại, ốc bươu vàng... hại cục bộ.

Trên vải thiều, nhãn: Nhện lông nhung, sâu đục cuống hoa, sâu đo xanh, bọ xít, bệnh sương mai, thán thư phát sinh gây hại giai đoạn hoa - quả; tập đoàn rệp, sâu đục cuống quả, ruồi đục quả, ve sầu nhẩy, bệnh đốm quả phát sinh gây hại từ giai đoạn lộc hoa đến thu hoạch.

Trên cây có múi: Sâu vẽ bùa, rệp, rầy chổng cánh, nhện, bệnh loét, bệnh sẹo ghẻ... gây hại trên lộc và quả; rệp sáp gây hại trên rễ và thân; bệnh chảy gồm thân gây hại chủ yếu trên bưởi

Trên cây chè: Bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, rầy xanh, nhện đỏ, bệnh phồng lá chè,... phát sinh gây hại cục bộ.

Trên ngô xuân: Sâu xám phát sinh gây hại nặng thời kỳ cây con (đặc biệt trên diện tích ngô trồng sau tháng 2); sâu keo mùa thu phát sinh gây hại từ thời kỳ cây con - giai đoạn trổ cờ, phun râu; sâu đục thân hại gây hại từ giai đoạn xoáy nõn đến cuối vụ. Bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, khô vằn gây hại từ giai đoạn ngô 7 - 9 lá trở đi.

Trên lạc xuân: Bệnh lở cổ rễ hại nặng giai đoạn cây con (từ giai đoạn trồng đến 3 – 4 lá). Bệnh héo xanh: Phát sinh gây hại giai đoạn ra hoa, đâm tia trở đi, hại nặng trên các ruộng đất thịt, trũng khó thoát nước. Bệnh đốm đen - đốm nâu: Phát sinh gây hại từ giai đoạn cây ra hoa trở đi. Sâu cuốn lá, sâu xanh, sâu khoang, bọ trĩ: Phát sinh gây hại từ khi cây có 2 - 3 lá kép đến tắt hoa (đặc biệt là sâu khoang).

Trên ớt: Rệp, nhện phát sinh và gây hại ngay ở giai đoạn cây con. Bệnh thán thư phát sinh gây hại từ giai đoạn ra hoa - quả và có thể gây hại nặng làm giảm năng suất, chất lượng quả.

Đối với các vườn ươm giống cây lâm nghiệp: Thường xuyên vệ sinh vườn ươm sạch cỏ để hạn chế nơi trú ẩn của các loài sâu hại và nấm bệnh lưu trú trong vườn ươm. Kiểm tra, phát hiện sớm bệnh phấn trắng, bệnh thối gốc... để có biện

Đối với rừng keo: Sâu kèn nhỏ, sâu nâu vạch xám ăn lá phát sinh gây hại từ khi trồng đến khai thác (hại nặng từ trồng đến hết năm thứ ba); bệnh phấn trắng thường phát sinh gây hại thời kỳ lá non, phát triển cành, đặc biệt là ở diện tích mới trồng nặng nhất vào thời điểm tháng 3 - 4 hằng năm;

Đối với rừng bạch đàn: Rầy, bệnh đốm nâu, bệnh đốm tím, bệnh khô thân cành... phát sinh gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng, đặc biệt là ở vụ xuân hè (tháng 3 - 5) và hè thu (tháng 8 - 10) trên diện tích mới trồng đến 3 năm tuổi.

Để làm tốt công tác bảo vệ sản xuất, giảm thiểu tới mức thấp nhất tỷ lệ thiệt hại do các đối tượng sâu, bệnh và dịch hại, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại cây trồng.

Tin: Dương Thơm
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên