Nông dân sáng tạo thời 4.0
Lượt xem: 122  | Ngày đăng: 12/10/2023

Từ thực tiễn lao động sản xuất, nhiều nông dân đã tìm tòi, nghiên cứu ra giải pháp, sáng kiến phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp đã góp phần tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. 

Trợ thủ của nhà nông

Ông nông dân Hoàng Đình Quê ở thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) - Công dân Bắc Giang Ưu tú năm 2022 là cái tên không còn xa lạ với nhiều người. Mỗi năm, ông chăn nuôi hàng nghìn con lợn theo quy trình công nghệ an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín. Khi chăn nuôi quy mô lớn, ngoài hiệu quả kinh tế thì vấn đề môi trường được ông quan tâm hàng đầu. 

Mô hình trồng dứa trái vụ cho năng suất cao tại xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Mô hình trồng dứa trái vụ cho năng suất cao tại xã Hương Sơn (Lạng Giang).

Vài năm trước, ông đã đầu tư mua máy móc để chăn nuôi theo quy trình công nghệ an toàn sinh học, tuần hoàn, hiện đại, có thể theo dõi, chăm sóc đàn vật nuôi từ xa. Chỉ cần ấn nút điều khiển là ông có thể cho lợn ăn, tắm mát... Chất thải trong chăn nuôi cũng được ông xử lý, sử dụng làm thức ăn cho giun quế. 

Tại cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ X (2022-2023) do Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức, ông Quê đã đoạt giải Nhất với giải pháp “Quản lý chất thải trong trang trại chăn nuôi lợn theo hướng tuần hoàn đem lại hiệu quả kinh tế cao”. 

Ông Quê nói: “Điểm mới của mô hình chăn nuôi này là cho chất thải lỏng vào bể biogas để tạo khí sinh học. Sau đó, đưa khí gas vào máy phát điện tạo ra điện năng cung cấp cho các hoạt động khác của trang trại”. Nhờ cách làm sáng tạo trên, mỗi năm, gia đình ông tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình của ông đã giảm thiểu ô nhiễm khu vực chăn nuôi, hạn chế những tác động xấu tới môi trường sống xung quanh.

Ở thôn Xuân Minh, xã Hương Mai (Việt Yên), nhiều người gọi anh nông dân Nguyễn Văn Thụy là “kỹ sư chân đất”. Anh Thụy có vóc dáng nhỏ nhắn, đôi bàn tay đen đúa dầu mỡ vì hằng ngày làm việc với các loại máy móc gia công cơ khí. Anh kể, được bố dạy nghề cơ khí từ khi 15 tuổi. 25 tuổi, anh bắt đầu mở xưởng chuyên gia công các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Trong một lần sửa chữa chảo cày HD của máy cày Nhật Bản, anh phát hiện bộ phận này quá dài, chiều rộng nhỏ nên khi hoạt động hay bị mất thăng bằng. Dùng chảo cày này, khi cày nông sẽ lỏi đất, cày sâu nặng máy và không cày được ở ruộng có nước. Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm, anh đã cải tiến phần khung của chảo cày có chiều rộng lớn hơn, chiều dài ngắn hơn phiên bản cũ; từ 4 lưỡi cày anh tăng lên 8 lưỡi chia thành hai vế cân đối nhằm mục đích giữ thăng bằng, hoạt động hiệu quả ở cả ruộng khô và có nước.

 Anh Nguyễn Văn Thụy bên giải pháp

Anh Nguyễn Văn Thụy bên giải pháp "Cải tiến chảo cày HD của máy cày Nhật Bản".

Chiếc chảo cày HD của anh Thụy gia công đa công dụng và cho hiệu quả cao hơn, giá cả phải chăng nên khi đưa ra thị trường được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua. Anh Nguyễn Văn Hùng ở thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) mua một chảo cày HD của anh Thụy với giá 13,5 triệu đồng chia sẻ: “Tôi chỉ mất 5 phút để cày xong 1 sào ruộng, nếu sử dụng chảo cày chưa cải tiến phải mất từ 15-20 phút. Đặc biệt, chỉ cần điều chỉnh độ cao, thấp theo ý muốn là có thể cày được cả ruộng có nước và ruộng cạn”. 

Với sáng kiến trên, tại cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông lần thứ X vừa qua, giải pháp “Cải tiến chảo cày HD của máy cày Nhật Bản” của anh Thụy đã được trao giải Nhì.

Trong cuộc thi này, nhiều giải pháp, sáng kiến phục vụ nhà nông khác cũng được đánh giá cao như: “Áp dụng biện pháp thời vụ trong việc xử lý dứa ra quả trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao”; “Ghép cam đường canh trên thân cây bưởi Diễn”; “Chăn nuôi vịt thương phẩm theo công nghệ hiện đại kết hợp cho vịt nghe nhạc”…

Tạo cú hích cho hoạt động sáng tạo

Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông được tổ chức 2 năm một lần. Trung bình mỗi năm, Ban tổ chức tiếp nhận từ 35-45 giải pháp, sáng kiến tham gia. Ở cuộc thi lần thứ X có những sáng kiến thuộc nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường, cơ khí nông nghiệp, chế biến nông sản... Hầu hết ý tưởng đều xuất phát từ thực tiễn lao động sản xuất; nhiều giải pháp có tính ứng dụng cao.

Giải pháp “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây bơ Booth sai quả” của anh Dương Văn Dẫu  ở huyện Lục Nam đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi.

Giải pháp “Kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây bơ Booth sai quả” của anh Dương Văn Dẫu ở huyện Lục Nam đoạt giải Khuyến khích tại cuộc thi.

Tuy nhiên, từ thực tế áp dụng một số giải pháp ở những năm trước cho thấy do nhiều nguyên nhân, qua thời gian không còn phù hợp, hiệu quả. Đơn cử như giải pháp “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình sản xuất ngọc trai nước ngọt bằng phương pháp lai ghép mô tế bào” của tác giả Trương Đình Tùng ở xã Đông Hưng (Lục Nam). Do khó khăn về vốn, thị trường nên mô hình của anh Tùng đang dần thu hẹp. 

Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tiếp nhận nhiều sáng kiến, giải pháp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường, cơ khí nông nghiệp, chế biến nông sản... Hầu hết ý tưởng đều xuất phát từ thực tiễn lao động sản xuất; nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao.

Giải pháp “Máy tách hạt ngô” của tác giả ở huyện Việt Yên cũng không cho hiệu quả lâu dài vì trên thị trường xuất hiện nhiều loại máy móc khác có công năng tốt, giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, do phần lớn các sáng kiến, giải pháp do tác giả tự chủ về kinh phí thực hiện nên gặp khó khăn khi hoàn thiện, nhân rộng sản phẩm; ít có giải pháp đoạt giải cao tại cuộc thi cấp quốc gia. 

Một số nông dân có thế mạnh trong sáng chế các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp lại gặp hạn chế ở khâu marketing. Vì vậy, họ mong muốn được hỗ trợ liên kết với đơn vị phân phối, tiêu thụ giúp sản phẩm của mình "phủ sóng" ở nhiều địa bàn.

Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, để hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của hội viên, nông dân ngày càng thiết thực, hiệu quả, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tác động tích cực của cuộc thi; khuyến khích, động viên hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các giải pháp, sáng kiến mang tính bền vững, lâu dài, khả năng nhân rộng cao, thân thiện với môi trường. 

Đối với các giải pháp, sáng kiến đã đoạt giải, khuyến khích tác giả tiếp tục sáng tạo, cải tiến, khắc phục hạn chế theo thời gian (nếu có), để hoàn thiện sản phẩm, tạo thuận lợi cho việc mở rộng mô hình. Riêng vấn đề kinh phí hỗ trợ vẫn là bài toán khó. Để gỡ vướng, các cấp hội, chính quyền địa phương quan tâm vận động thêm nguồn lực ủng hộ kinh phí tổ chức cuộc thi và hỗ trợ một phần chi phí cho các tác giả hoàn thiện ý tưởng sản phẩm.

Theo: Báo Bắc Giang Điện Tử
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên