Tháo “nút thắt” cho vùng sản xuất rau tập trung
Lượt xem: 213  | Ngày đăng: 17/08/2023

BẮC GIANG - Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang có 78 vùng sản xuất rau tập trung. Bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất rau để đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ công nghiệp chế biến gặp một số khó khăn, vướng mắc. Các cấp, ngành, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. 

Nhiều khó khăn

Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 về việc phê duyệt kết quả “Rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” xác định đến năm 2030, 8 huyện (trừ huyện Lục Ngạn và TP Bắc Giang) có 78 vùng sản xuất rau tập trung với tổng diện tích hơn 7,2 nghìn ha; trong đó có 23 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tăng 1 vùng, giảm 533 ha so với kế hoạch xây dựng vùng sản xuất rau tập trung ban đầu).

Người dân xã Canh Nậu (Yên Thế) thu hoạch dưa chuột tại vùng sản xuất tập trung.

Người dân xã Canh Nậu (Yên Thế) thu hoạch dưa chuột tại vùng sản xuất tập trung.

Tại huyện Lạng Giang, theo kế hoạch, địa phương xây dựng 7 vùng sản xuất rau tập trung, tổng diện tích 610 ha tại các xã: Quang Thịnh, Hương Lạc, Mỹ Thái, Tân Thanh, Hương Sơn và thị trấn Kép, thị trấn Vôi (giảm 31 ha do quy hoạch khu đô thị, hạ tầng giao thông). Nhưng thực tế, một số xã gặp khó khăn trong tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất. 

Điển hình như tại xã Hương Sơn, địa phương chọn thôn Đồng Thủy xây dựng vùng sản xuất rau với quy mô 30 ha, tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được. Ông Hoàng Văn Sơn, trưởng thôn Đồng Thủy cho biết: “Thôn có 365 hộ, phần lớn vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ lẻ. Các cấp, ngành đã tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc sản xuất tập trung nhưng chưa có tín hiệu tốt. Vùng sản xuất rau tập trung 24 ha ở thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh cũng vẫn trên giấy vì ruộng đất manh mún”.

Huyện Lục Nam xây dựng vùng sản xuất rau tập trung với quy mô gần 3 nghìn ha tại 13 xã, thị trấn (lớn nhất tỉnh). Địa phương có nhiều mô hình trồng rau tập trung từ nhiều năm nay cho hiệu quả kinh tế cao. Song việc sản xuất nông nghiệp thường chịu tác động của thời tiết; cây giống, hạt giống; giá nhân công, vật tư nông nghiệp… 

Ở xã Đông Phú (Lục Nam) có nhiều cây chủ lực, trồng tập trung, trong đó có cây đậu tương. Mỗi năm, toàn xã trồng gần 100 ha, những vụ trước năng suất cao (500-600 tạ/sào). Vụ này, chất lượng hạt giống không đồng đều nên người dân gieo trồng không đồng loạt, khó khăn trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại. Trước đó vào đầu năm 2023, thời tiết mưa kéo dài khiến tiến độ làm đất chậm, một số cây khó thụ phấn.

Việc doanh nghiệp chưa đầu tư mạnh vào nông nghiệp cũng là khó khăn chung tại nhiều địa bàn trong hình thành vùng tập trung. Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi tiếp cận đất đai bởi phải tự thỏa thuận phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trẻ, có trình độ trong lĩnh vực nông nghiệp đang thiếu hụt do họ thường chọn làm việc tại các khu công nghiệp hoặc lĩnh vực phi nông nghiệp.

Có cơ chế hỗ trợ

Nhằm tạo sự thống nhất trong thực hiện, các địa phương xây dựng vùng sản xuất rau tập trung đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh về phát triển nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; tích cực vận động người dân, doanh nghiệp tham gia.

Người dân xã Đông Phú (Lục Nam) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây đậu tương.

Người dân xã Đông Phú (Lục Nam) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây đậu tương.

 Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC (Lạng Giang) đang được UBND huyện Hiệp Hòa hoàn tất các thủ tục thuê 15 ha đất của người dân xã Xuân Cẩm để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Công ty liên kết với hơn chục hợp tác xã, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh để cung ứng nguyên liệu đầu vào; mỗi năm tiêu thụ gần 20 nghìn tấn nguyên liệu các loại.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam cho biết: “Trước mắt, địa phương tập trung phát triển vùng rau hiện có, đổi mới cách thức, quy trình chăm sóc, trồng rải vụ để tăng năng suất, giá ổn định; quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu. Như thời điểm này, người dân các xã Bảo Đài, Chu Điện, Tam Dị… đang làm đất, chuẩn bị trồng hành, rau ăn lá vụ đông sớm, dự kiến cho thu hoạch vào tháng 10/2023. Cùng đó, cơ quan chức năng tiếp tục hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất; trồng lúa luân canh hoặc cày ải ruộng để cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại”.

Xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau tập trung là chủ trương hợp lý, góp phần hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến, giúp tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau tập trung là chủ trương hợp lý, góp phần hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến, giúp tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Thực tế, tỉnh Bắc Giang có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng khó khăn, vướng mắc là điều khó tránh khỏi. Để khắc phục, ngành đã chỉ đạo, đôn đốc đơn vị chuyên môn, địa phương hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất cây rau vụ đông, trồng sớm, rải vụ để tăng năng suất, cạnh tranh về giá; điều tiết thủy lợi hợp lý, đầy đủ để cây, nhất là cây vụ đông sinh trưởng, phát triển thuận lợi; đẩy mạnh khâu chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP, kết nối thị trường tiêu thụ. Chú trọng công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; triển khai có hiệu quả chương trình “sức khỏe cây trồng”.

Nhằm “tiếp sức” cho nông nghiệp, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ. Ngày 14/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 26/2023/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030. Cũng trong thời gian trên, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. 

Sau khi sửa đổi, bổ sung, thời gian hỗ trợ kéo dài đến năm 2030; quy mô tối thiểu 10 ha/vụ/chuỗi sẽ được hỗ trợ. Qua đó tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân khi đầu tư vào nông nghiệp, nhất là sản xuất các vùng rau tập trung, công nghệ cao.

 
Theo: Báo Bắc Giang Điện Tử
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên