Khuyến khích nhân rộng mô hình nông nghiệp tích hợp đa giá trị
Lượt xem: 301  | Ngày đăng: 24/05/2023

Hiện các địa phương ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Bên cạnh việc duy trì cải thiện năng suất, sản lượng, các mô hình kinh tế hợp tác xã, trang trại huyện Lục Ngạn đang chuyển đổi theo hình thức tích hợp đa giá trị. Đây đang được xem là hướng đi hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

ông Trần Văn Hành (bên trái) trao đổi kinh nghiệm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP với Giám đốc Trung tâm KN

Với hàng trăm gốc vải thiều ra quả từ thân được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch, vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành, thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn nườm nượp khách tham quan từ khi cây đang cho hoa. Giữa tháng 3 vừa qua, ông Hành đã liên kết với với doanh nghiệp du lịch tổ chức lễ khai trương tuor du lịch đón khách từ Hà Nội lên tham quan, trải nghiệm. Riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, gia đình đã đón khoảng 500 khách đến trải nghiệm miền phí.

“Hiện, gia đình tôi đang xây dựng các nhà chòi phục vụ du khách ngồi uống trà và thưởng thức hoa quả, trái ngọt theo mùa. Tại đây, du khách có thể giao lưu văn hóa, văn nghệ và nghỉ lại qua đêm nếu khách có nhu cầu. Tại đây còn có điểm trưng bày, bán mật ong, giấm vải… để khách làm quà biếu”, ông Hành chia sẻ.

Bên cạnh đó, du khách đến đây còn được cắm trại tại thung lũng hoa vải tuyệt đẹp và trải nghiệm công đoạn quay mật ong hoa vải. Cả vụ hoa ông Hành thu được gần 10 tấn mật ong và được doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ thuận lợi.

Đặc biệt, bán vải thiều nguyên cây là hình thức bán hàng mới lạ nhất được gia đình ông Hành áp dụng đã thu hút khách du lịch đến vườn để gia tăng giá trị cây vải. Đến nay, gia đình ông Hành đã bán được 10 cây vải thiều, với giá từ 10-10,5 triệu đồng/cây. Khi giao dịch xong dưới gốc cây đều được cắm biển tên khách hành. Tất cả các cây vải thiều đều ra quả từ trong thân nên du khách vô cùng thích thú.

Cây vải thiều được BTV Hoàng Dương mua với giá 10 triệu đồngcây

Được mệnh danh là “thủ phủ” vải thiều, ông Nguyễn Văn Hành- Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn, với 10 thành viên, tổng diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 12 ha, sản lượng năm nay ước đạt trên 20 tấn quả/ha, cao hơn năm trước.

Hợp tác xã đã sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP được khoảng 6 năm nay, nhưng kết hợp vừa sản xuất vải sạch xuất khẩu và làm du lịch cộng đồng thì HTX mới đầu tư nên vẫn hoàn toàn miền phí cho du khách. Dịp lễ tết vừa qua, HTX đã đón hàng trăm khách từ các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…đến tham quan, trải nghiệm.

Mùa vải thiều năm nay, UBND huyện Lục Ngạn lựa chọn các HTX du lịch tiêu biểu tham gia kết nối tổ chức các hoạt động để hút khách, gồm các điểm du lịch: Bầu Tiên, thôn Đồng Dao, xã Quý Sơn ; thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải; …Bên cạnh đó, các HTX đều xây dựng tuor đến tham quan một số điểm trên địa bàn như chùa Am Vãi, hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, làng nghề mỳ Chũ…Đây cũng là những điểm du lịch đang hấp dẫn nhiều du khách.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, UBND tỉnh ban hành đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2030. Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ hỗ trợ 35 điểm thuộc các mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; ưu tiên xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm để nhân rộng trong đó có điểm du lịch sinh thái Đồng Dao- hồ Bầu Lầy.

Đến với điểm tham quan trải nghiệm điểm du lịch sinh thái Đồng Dao, thôn Đồng Dao, xã Quý Sơn, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, chiêm ngưỡng bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Với diện tích 21 ha cây ăn quả gồm vải thiều, cam ngọt, bưởi, tổng sản lượng đạt 200 tấn mỗi năm. Toàn bộ không gian được bao bọc bởi hồ Bầu Lầy rộng 80 ha.

Chia sẻ về ý tưởng đầu tư, anh Hoàng Văn Hiệp- Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao cho biết, HTX đang từng bước đa dạng các loại cây trồng để du khách đến đây mùa nào cũng có hoa thơm, trái ngọt. Giai đoạn đầu, HTX quy hoạch từng khu riêng biệt như vùng sản xuất vải thiều xuất Nhật, khu hồ sen, ao cá, khu nuôi động dật hoang dã…, khu nhà sàn đón tiếp khách, bếp ăn, nhà lưu trú. Mặc dù các công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng vào dịp lễ tết 30/4 và 01/5, HTX đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm.

ông Hoàng Văn Hiệp (thứ 2 từ trái sang) đưa khách tham quan khu vườn vải thiều

Theo anh Hiệp, “đất Lục Ngạn đẹp, có hoa trái quanh năm nên mong muốn có mô hình trang trại giáo dục nên ý tưởng HTX sẽ đầu tư vào hạng mục này để thu hút đối tượng du khách là học sinh, sinh viên, nhóm gia đình… Hiện, HTX đang làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng”.

Ông Đào Xuân Vinh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, để khuyến khích các địa phương ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh. Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông nghiệp. Nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân về phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Gắn phát triển du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản của địa phương thông qua việc định hướng cho người dân tổ chức lại sản xuất sản phẩm nông sản…Trong đó, tập trung xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất gắn với lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện sống của từng địa phương phát triển thành sản phẩm đặc trưng. Trong đó, tiếp tục thực hiện cấp mã số mới cho 70 vùng trồng cây ăn quả (vải thiều 45 vùng, nhãn 5 vùng, cam bưởi 20 vùng), số hóa 80 vùng trồng (vải thiều 55 vùng, nhãn 5 vùng, cam bưởi 20 vùng). Hình thành vùng nguyên liệu nông sản, đặc sản theo hướng sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, số hóa và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Hương Giang
TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên