Lục Ngạn: Hiệu quả bước đầu mô hình nuôi hươu sinh sản
Lượt xem: 398  | Ngày đăng: 14/11/2022

Huyện Lục Ngạn có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển vườn đồi, trang trại, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của huyện uỷ, UBND huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi nhất là lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến, đa dạng đối tượng nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao như hươu, cầy…

Đàn hươu sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện địa phương

Phát huy, tận dụng tiềm năng lợi thế của địa phương về đất, thức ăn và lao động hướng đến làm giàu cho nhân dân. Năm 2019, Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn triển khai mô hình chăn nuôi hươu sinh sản, với quy mô 42 con ở các xã Sơn Hải (6 con), Đồng Cốc (14 con), Nam Dương (3 con), Đèo Gia (13 con), Sa Lý (6 con). Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 50% giá giống.

Hươu là loài động vật hoang dã nên việc thuần hoá, nuôi nhốt sẽ gặp nhiều khó khăn với những hộ nuôi lần đầu, kinh nghiệm ít, đòi hỏi người chăn nuôi cần kiên trì, tiếp xúc thường xuyên…Nhận rõ điều đó, Trung tâm DVKT nông nghiệp đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho người nuôi hươu về đặc điểm sinh học của giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên hươu. Đồng thời, trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm và cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi từ khâu quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng và trị bệnh bệnh cho hươu.

Anh Lâm Văn Học, cán bộ khuyến nông xã Sơn Hải cho biết, “chúng tôi thường xuyên kiểm tra sinh trưởng và phát triển của đàn hươu để đánh giá mức tăng trọng, sức khỏe của đàn nuôi trong từng giai đoạn nhằm đưa ra những chỉ đạo chăm sóc hợp lý; hướng dẫn các hộ vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại để mô hình đạt kết quả cao”.

Sau 3 năm, đàn hươu sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng con giống tăng gấp đôi lúc ban đầu, đạt 30kg/con. 8 con cái đã sinh sản được thêm 16 hươu con trong đó 02 con đực, 14 con cái. Giá bán trung bình 20 triệu đồng/cặp hươu giống thu về 160 triệu đồng; 05 con đực khai thác được 6,5 lạng nhung, với giá bán 2 triệu đồng/lạng, thu 65 triệu đồng. Hạch toán cả mô hình trong một năm lãi khoảng 60 triệu đồng, sau khi đã trừ đi mọi chi phí như công lao động, thức ăn…

Ông Lâm Văn Phòong, hộ tham gia mô hình ở xã Sơn Hải chia sẻ, “hươu là đối tượng nuôi mới với gia đình, ban đầu nuôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng sau khi được cán bộ hướng dẫn trong từng khâu chăm sóc, phòng trị bệnh, nắm được kỹ thuật nuôi thì thấy loài vật này dễ nuôi. Chúng có thể ăn được các loại lá cây như lá xoan, sung, mít, cỏ voi, ngô…. nên chi phí phí thức ăn thấp, chỉ khoảng 5.000 đồng/con/ngày.  Hiện, đàn hươu của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu cho hiệu quả kinh tế”.

Theo tìm hiểu, hươu cái sau một năm sẽ bước sang giai đoạn thành thục, có khả năng sinh sản. Mùa sinh sản của hươu tập trung vào tháng 3, 4, 5. Lúc bấy giờ khí hậu ấm áp, cỏ lá cũng bắt đầu sinh sôi, nguồn thức ăn dồi dào do đó, hươu con được nuôi tốt, tỷ lệ nuôi sống cao hơn.

Với hươu đực, sau khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu cho khai thác nhung. Lần đầu khai thác, đạt từ 1- 2 lạng nhung/con. Những năm tiếp theo, sản lượng đạt cao dần lên và đến năm thứ 7 thì sản lượng nhung đạt cao nhất, mỗi con đạt 1,5kg nhung/năm, cá biệt, những con to đạt 1 – 1,1 kg nhung/con/ lần khai thác.

Thời gian khai thác nhung theo mùa, mỗi con hươu cho 2 đợt nhung. Hươu ra nhung khoảng từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau là cắt mẻ nhung cuối cùng. Nhung ra nhiều nhất là tháng 2, khi mùa xuân đến, mùa của đâm chồi nảy lộc nên con nào cũng ra nhung bất kể là ra lần một hay lần hai. Nếu tháng 2 ra nhung thì đến tháng 5 được cắt nhung.

Bà Lâm Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm DVKT Nông nghiệp đánh giá, mô hình chăn nuôi hươu phù hợp với điều kiện ở địa phương, hươu phát triển mạnh, thích nghi tốt, ít bệnh, dễ nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Hiện nay trên địa bàn huyện Lục Ngạn có hơn 60 hộ nuôi hươu, quy mô mỗi hộ khoảng từ 5- 50 con. Thực tế, nuôi hươu của các hộ cho hiệu quả rõ rệt. Từ thành công của mô hình là cơ sở nhân rộng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện, đặc biệt các xã vùng cao.

Qua đây, Phó Giám đốc Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện đề nghị, UBND huyện có chính sách tiếp tục hỗ trợ để phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn; tiếp tục hỗ trợ kinh phí để Trung tâm DVKT nông nghiệp triển khai những mô hình mới, nhằm tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Bài, ảnh: Minh Nga

 

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên