Bắc Giang: Hợp tác xã Phúc Thịnh Lợi - Thu nhập ổn định từ chăn nuôi thỏ
Lượt xem: 263  | Ngày đăng: 03/01/2022

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt với đa dạng các loại cây con. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình chăn nuôi đơn lẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, đầu ra không ổn định, giá cả bếp bênh, chất lượng không đồng đều nên bị thương lái ép giá bán.

Liên kết thành lập hợp tác xã

Nhận thức rõ việc chăn nuôi đơn lẻ gặp nhiều khó khăn nên nhiều hộ gia đình đã chủ động liên kết lại với nhau để cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giảm thiểu rủi ro và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Tiêu biểu như các hộ chăn nuôi ở huyện Lạng Giang cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại các mô hình hợp tác xã (HTX) trong và ngoài tỉnh, tập hợp một số người tâm huyết với nghề chăn nuôi thỏ thành lập lên HTX Phúc Thịnh Lợi. Nhận thấy việc tổ chức chăn nuôi quy mô, bài bản, xây dựng thành vùng nguyên liệu thỏ tốt cung cấp cho các công ty chăn nuôi của Nhật Bản, cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh là có tiềm năng; cùng với mong muốn tạo điều kiện tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng hợp tác chăn nuôi phát triển đàn thỏ thương phẩm của các hộ, năm 2013 ông Ngô Thế Yên cùng với 13 thành viên là các chủ trại thỏ trên địa bàn huyện Lạng Giang đã tham gia hợp tác

thành lập nên HTX Phúc Thịnh Lợi, một đơn vị kinh tế tập thể có tư cách pháp nhân nhằm đứng ra ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm thỏ tiêu chuẩn với Công ty Nippon Zoki Việt Nam, đảm bảo ổn định thị trường đầu ra cho các trại thỏ.

Ông Phạm Trí Nghĩa ở thôn Trại Mới, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang nuôi thỏ từ năm 2009 nhưng giá trị đem lại không cao do chưa tìm được thị trường tiêu thụ, sản phẩm thỏ thịt chưa được nhiều người biết đến. Năm 2013, gia đình ông tham gia HTX Phúc Thịnh Lợi có trụ sở tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Cũng tại hội nghị của Công ty, ông đã biết thỏ dùng làm nguyên liệu chiết xuất vacxin và các sản phẩm liên quan để xuất khẩu. Nhận thấy thị trường đầu ra thuận lợi, qua tìm hiểu được biết thỏ dễ nuôi, mắn đẻ, thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ, lá cây và cám tinh chế đây đều là những nguyên liệu dễ kiếm, sẵn có ở quê khiến ông tò mò muốn nuôi thử nghiệm. Năm đầu ông nuôi hơn chục con, vừa làm vừa tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo thấy có lãi nên tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại khép kín và đến nay có 60 thỏ mẹ và khoảng 400 con thỏ loại nhỏ và chuẩn bị xuất chuồng. Mỗi tháng xuất bán 3 lứa cho cho Công ty Nippon Zoki và bán giống cho những hộ chăn nuôi khác. Với giá 178 nghìn đồng/con 2,3kg và 120 nghìn đồng/con giống, mỗi tháng ông Nghĩa thu lãi ổn định từ 12 -14 triệu đồng.

Ông Nghĩa cho biết, để xuất bán được thỏ cho Công ty Nippon Zoki, cần phải tuân thủ một số quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt như trọng lượng thỏ đạt xuất chuồng có biểu từ 2,3-2,5 kg/con quá trọng lượng trên là không đạt yêu cầu, thứ hai là thỏ không bị nấm ghẻ, không bị dị tật bẩm sinh… nhưng được cái giá nhiều năm nay vẫn ổn định, không lo bị thương lái ép giá.

Kinh nghiệm từ những hộ nuôi thỏ lâu năm chia sẻ, nuôi thỏ cũng không phải là khó, định kỳ tiêm phòng bệnh cầu trùng và bệnh đường ruột cho thỏ; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông là hết sức quan trọng. Về mùa hè, nắng nóng chuồng nuôi cần có hệ thống quạt thông gió thoáng mát thỏ sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Nguồn thức ăn có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả; mỗi năm thỏ có thể đẻ 8 đến 10 lứa, mỗi lứa từ 6 đến 8 con, nuôi 3 tháng trọng lượng đạt 2,3 – 3 kg là có thể xuất bán tùy theo nhu cầu thị trường. 

Giúp nhau cùng phát triển

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Thế Yên- Giám đốc HTX Phúc Thịnh Lợi cho biết. Hiện HTX có 14 thành viên cùng chăn nuôi thỏ nhưng trong HTX thống nhất 6 hộ chuyên cung cấp thỏ thương phẩm cho Công ty Nippon Zoki để chế biến vacxin, 8 hộ còn lại chuyên cung cấp giống và thỏ thương phẩm cho các nhà hàng, siêu thị trong tỉnh nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Hiện, gia đình ông Yên đang nuôi gần 1000 con thỏ chủ yếu là thỏ giống, thỏ thương phẩm cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Với giá bán thỏ giống từ 80-120 nghìn đồng/con tùy loại to nhỏ; thỏ thịt là 100 nghìn đồng/kg, mỗi năm đem lãi trên 300 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Ngô Thế Yên còn tận dụng phân thỏ để nuôi giun quế nhằm xử lý chất thải và có thêm nguồn thu. Do gầm chuồng thỏ luôn râm mát nên giun sinh sôi nhanh. Chất thải của thỏ được phân giải hết nhờ có giun quế đã tạo môi trường trong lành hơn giúp thỏ nhanh lớn hơn và không bị bệnh nấm hay ghẻ. Lượng giun thu được một phần làm thức ăn chăn nuôi gia cầm của gia đình, số còn lại bán cho các hộ chăn trong địa bàn huyện. Trung bình mỗi tháng anh thu 5-7 triệu đồng từ nuôi giun.

Anh Nguyễn Khánh Hùng- Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Lạng Giang chia sẻ, thời gian đầu HTX  Phúc Thịnh Lợi hoạt động gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh nên có lúc thỏ bị bệnh và chết. Không nản, mọi thành viên trong HTX dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật đồng thời tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi thỏ thành công ở trong, ngoài tỉnh, tham gia các lớp tập huấn do hệ thống khuyến nông các cấp và Hiệp Hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức để học hỏi về công tác chăn nuôi, thú y và cách quản lý trang trại nhằm từng bước đưa các thành viên trong HTX phát triển ổn định nghề chăn nuôi thỏ. Đến nay, HTX Phúc Thịnh Lợi được nhiều người biết đến tham quan học tập kinh nghiệm và là một trong những HTX hoạt động rất hiệu quả đem lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên.

Bài, ảnh: Hương Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên