Lưu ý khi sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi
Lượt xem: 203  | Ngày đăng: 03/01/2022

Hiện nay, trong các trang trại chăn nuôi đều sử dụng đệm lót sinh học cho hiệu quả cao, đặc biệt là đối với chăn nuôi gà và chăn nuôi lợn. Thực tế triển khai tại tỉnh Bắc Giang cho thấy mô hình ứng dụng đệm lót sinh học đặc biệt phù hợp với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, góp phần đáng kể giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

1. Đối với gà

Do gà có tập tính bới nền chuồng nên phân gà được tiêu hủy trên nền đệm lót tạo môi trường sạch, có lợi cho sức khỏe của gà và người chăn nuôi. Do không phải thay độn lót trong suốt quá trình nuôi đã giảm tối đa nhân công dọn chuồng, tăng sức đề kháng của gà, giảm tỷ lệ chết và loại thải ở gà, tăng khả năng sinh trưởng, giảm tiêu tốn thức ăn, chi phí trong việc chữa trị bệnh và định kỳ phun thuốc sát trùng. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị viêm bàn chân, lông mượt và sạch. Do đó lợi nhuận cao hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. 

Tuy nhiên, đệm lót sinh học luôn sinh nhiệt do quá trình lên men của vi sinh vật trong đệm lót nên chuồng nuôi nóng, phù hợp với điều kiện thời tiết mùa đông. Trong mùa hè nếu sử dụng đệm lót cần phải nuôi gà mật độ thấp và có phương pháp chống nóng cho gà, đặc biệt gà nuôi thịt giai đoạn vỗ béo và gà sinh sản giai đoạn đầu. 

2. Đối với chăn nuôi lợn

Sử dụng đệm lót sinh học đã tiết kiệm được điện, nước rửa chuồng và giảm ô nhiễm môi trường, nhất là đối với nuôi lợn nái, lợn con và lợn có khối lượng dưới 60 kg là phù hợp nhất.

3. Một số khó khăn, hạn chế cần lưu ý

Nguyên liệu để làm đệm lót sử dụng 50 - 70% là mùn cưa, phoi bào, do đó để huy động nguồn nguyên liệu lớn là rất khó khăn sẽ hạn chế việc triển khai ra diện rộng. Cần nghiên cứu thử nghiệm các nguyên liệu khác từ phụ phẩm nông nghiệp để thay thế cho mùn cưa. 

Chi phí ban đầu cho đệm lót là tương đối lớn, tốn diện tích chăn nuôi, khó áp dụng cho chăn nuôi công nghiệp vì không thể nuôi với mật độ cao. Trong khi đó quá trình lên men của vi sinh vật ở đệm lót luôn sinh nhiệt làm nhiệt độ chuồng nuôi tăng, luôn ở mức 30 – 40 độ C, có thể đến 45 độ C làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của vật nuôi như gà ở giai đoạn vỗ béo, gà sinh sản.

Khi nuôi trên nền đệm lót, người nuôi phải tuân thủ kỹ thuật sử dụng và bảo quản đệm lót để phát huy khả năng phân hủy chất thải của vi sinh vật trong đệm lót. Mặt khác người chăn nuôi có thể tận dụng nuôi lưu cữu nhiều lứa trên nền đệm lót nhưng không được phun sát trùng nên mầm bệnh tồn tại trong đệm lót có thể gây ô nhiễm, đặc biệt khi dịch bệnh xảy ra với vật nuôi đang nuôi trên đệm lót sinh học, phải tiêu hủy toàn bộ đệm lót gây ảnh hưởng đến kinh tế cho người chăn nuôi. 

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều hộ chăn nuôi đã có nhiều sáng tạo để khắc phục tình trạng nắng nóng trong mùa hè bằng cách cải tiến chuồng nuôi với 70% diện tích là nền làm đệm lót, 30% làm nền bê tông có ngăn cách với nền đệm lót để có thể dùng nước chống nóng vào những ngày nhiệt độ cao, hoặc trồng cây xanh, cây dây leo phủ lên mái chuồng để tạo bóng mát, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình.

Bài, ảnh: Nguyễn Linh

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên