TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết mùa hè năm 2022 sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng, đồng thời có thể xuất hiện dông lốc, mưa rào nhiều nơi, vùng núi đề phòng dông lốc, mưa đá, miền xuôi chịu tác động của lũ lụt ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi.
Để giảm thiểu tác hại của nắng nóng, mưa bão, lũ lụt đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, đề nghị UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã phường, thị trấn chủ động xây dựng phương án phòng chống nắng nóng, dông lốc, mưa đá, lũ lụt cho đàn vật nuôi tích hợp trong phương án phòng chống thiên tai của địa phương đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại địa bàn quản lý; tập trung chỉ đạo và áp dụng các biện pháp khả thi trong phòng, chống nắng nóng, mưa lũ nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại đối với hoạt động chăn nuôi ở địa phương.
Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống nắng nóng cho vật nuôi, những ngày nắng nóng, thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin… tăng chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần ăn cho gia súc, gia cầm.
Đảm bảo thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng. Lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống nếu có điều kiện. Đối với những địa phương bị hạn hạn kéo dài, cần có hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước, tái sử dụng nước. Sử dụng hệ thống bể lớn lót bạt công nghiệp HDPE 4 mặt để chứa nước, chống bay hơi nước phục vụ cho chăn nuôi.Sau những đợt nắng nóng kéo dài, đàn gia súc, gia cầm thường mệt mỏi, sức đề kháng giảm, con vật dễ tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… Vì vậy, cần có kế hoạch bổ sung khoáng, vitamin và dinh dưỡng cho đàn vật nuôi.
Công tác quản lý nuôi dưỡng cần được quan tâm, với trâu, bò, dê, chăn thả, những ngày trời nắng nóng, buổi sáng đi chăn thả sớm và về sớm; buổi chiều chăn thả muộn, về muộn, đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non.
Đối với gia cầm, nuôi nhốt với mật độ vừa phải, điều chỉnh mật độ theo tốc độ lớn và biểu hiện của của đàn gia cầm. Với gà đẻ nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh.
Mật độ nuôi nhốt đối với lợn nái 3-4 m2/con, lợn thịt là 2m2/con.
Chuồng trại cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng, hàng ngày thu gom phân và rác thải, thực hiện ủ phân sinh học, không xả thải trực tiếp gây ô nhiễmmôi trường; vệ sinh máng ăn, máng uống thường xuyên không để dư thừa thức ăn trong máng gây ôi thiu, ẩm mốc; tiêm đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch cho đàn vật nuôi; định kỳ tẩy giun, sán cho vật nuôi, phun thuốc khử trùng diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh.
Cùng đó, hướng dẫn biện pháp phòng chống sét, lũ lụt cho vật nuôi, xây dựng chuồng trại tại các vị trí không bị ngập úng khi có mưa lớn, cần tham khảo ý kiến chuyên gia tư vấn giải pháp phòng chống sét phù hợp với địa hình nơi xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Chủ động di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị úng ngập bằng các phương tiện vận chuyển như thuyền, bè nhưng phải đảm bảo tuyệt đối đến tính mạng cho con người và sức khỏe của vật nuôi…
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, môi trường quanh chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi, để vật nuôi được ở sạch. Định kỳ 1 tuần phun tẩy uế chuồng trại 1- 2 lần và khu vực xung quanh bằng các chất khử trùng theo quy định. Khi nước rút đến đâu thì dọn vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh đến đó. Đối với những vật nuôi có nhu cầu vận chuyển từ nơi này qua nơi khác cần thực
hiện tốt quy trình vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Với xác vật nuôi chết, xử lý xác chết phù hợp với từng đối tượng vật nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc khử trùng, có biện pháp chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp.
Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông,tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, cử cán bộ phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, mưa lũ cho đàn vật nuôi tại cơ sở.Chi Cục Chăn nuôi và Thú y, Thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, mưa lũ, dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại các huyện, thành phố. Quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm động vật và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. ..
Tin: Mạnh Hùng