TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Mùa xuân đến thời tiết thích hợp cho nhiều loại cây ra hoa, đàn ong có điều kiện phát triển mạnh, số lượng bánh tổ cần có nhiều cho ong chúa đẻ trứng và làm nơi dự trữ mật, phấn.
Để thu được nhiều mật ong trong mùa khai thác người nuôi ong cần phải có các đàn ong đông quân, nhiều ong ở tuổi đi làm, không bị bệnh, không chia đàn.
Xây bánh tổ mới, nhằm tăng lỗ tổ chứa mật và lỗ tổ cho ong chúa đẻ; thay bánh tổ cũ đen, cứng có mùi hôi, ong chúa không thích đẻ nhưng hấp dẫn sâu ăn sáp phá bánh tổ nên đàn ong dễ bị bốc bay. Xây bánh tổ mới kịp thời còn là biện pháp phòng ngừa đàn ong chia đàn tự nhiên.
1. Chuẩn bị đàn ong trước vụ mật
Muốn có các đàn ong đông quân, nhiều ong ở tuổi đi làm, không bị bệnh, không chia đàn cần:
+ Dừng chia đàn trước vụ mật khoảng 40 ngày;
+ Cho ong ăn cách nhật để kích thích chúa đẻ, kích thích ong đi làm;
+ Cần cho ong xây tầng kịp thời để có chỗ chúa đẻ và chỗ chứa mật;
+ Phòng chống ong chia đàn tự nhiên;
+ Phát hiện và phòng chống bệnh kịp thời.
2. Các cách cho ong xây bánh tổ mới
- Sửa lại bánh tổ cũ: Sau khi đàn ong qua đông, qua hè người nuôi ong dùng dao nhỏ sắc cắt phần dưới và hai góc bánh tổ, các lỗ tổ ong đực và những chỗ bị sâu ăn sáp phá có màu đen, bị mốc không có ong bám để thúc đẩy đàn ong xây lại phần bánh tổ bị hỏng, xây nhiều lỗ tổ mới cho ong chúa đẻ.
- Kỹ thuật xây bánh tổ mới có tầng chân:
+ Mùa vụ: Đàn ong phát triển, vụ nhân đàn, trước và đầu vụ mật.
+ Tiêu chuẩn đàn ong xây bánh tổ: Đông quân, nhiều ong non, các bánh tổ chứa kín trứng, ấu trùng, nhộng và nhiều mật, phấn. Đàn ong có biểu hiện nới bánh tổ (các lỗ tổ mới màu trắng hoặc vàng nhạt nằm ở góc hoặc phần dưới bánh tổ), xây lưỡi mèo (các miếng bánh tổ màu trắng ở giữa hoặc phần trên của cầu ong).
+ Cách gắn tầng chân vào khung cầu: Dụng cụ gắn tầng chân gồm tầng chân, mỏ hàn có rãnh ở đầu, ghế gắn tầng chân, thước cữ, sáp, khung cầu 2 xà bên có khoan 3 lỗ nhỏ, dây thép 0,5 ly, ca đựng sáp. Luồn dây thép vào các lỗ, buộc cố định 1 đầu dây thép vào hồi cầu gần thanh xà trên. Dùng que tre, gỗ có rãnh kéo căng dây thép trên khung cầu, rồi buộc đầu còn lại vào hồi cầu. Luồn tấm tầng chân vào giữa khung cầu đã căng dây thép cho cân đối. Phần trên tấm tầng chân đặt khít vào rãnh ở mặt dưới xà cầu. Nếu khung cầu không có rãnh, ép thước cữ cho tấm tầng chân nằm giữa thanh xà rồi đổ sáp nóng chảy vào để tầng chân gắn chặt vào giữa mặt dưới của xà trên khung cầu. Đặt cầu lên trên ghế gắn tầng chân đã được xoa nước hoặc lót tờ báo (để tầng chân không dính vào mặt ghế). Dùng mỏ hàn đã nung nóng, ấn nhẹ và kéo dọc theo dây thép để vùi dây thép vào giữa tầng chân.
+ Cách cho khung cầu đã gắn tầng chân vào đàn: Đưa vào giữa 2 cầu có nhiều ấu trùng tuổi lớn và nhộng, rồi ép sát lại. Cho ong ăn thêm nước đường để kích thích ong tiết sáp xây các lỗ tổ nhanh hơn. Sau 2-3 ngày, tiến hành kiểm tra nếu thấy các lỗ tổ được xây cao đều ở cả 2 mặt cầu, mở rộng khoảng cách cầu rồi đặt thước vào. Trường hợp ong chỉ xây một mặt, cần xoay cầu để ong xây mặt còn lại. Trường hợp ong không xây thì chuyển cầu gắn tầng chân đặt sát ván ngăn.