TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh với quy mô nông hộ. Để nuôi ong mật cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chú trọng kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa… cho đến thu hoạch mật. Sau đây, tôi xin giới thiệu đến quý bạn đọc kỹ thuật tạo chúa và chia đàn ong nội Apiscerana.
Ong chúa là mẹ của đàn ong nên chất lượng chúa tốt thì đàn ong đông quân, cho thu nhiều mật. Do vậy, người nuôi ong cần nắm vững kỹ thuật tạo chúa để tạo ra các ong chúa tốt cho việc thay các ong chúa già và chia đàn mới.
1. Kỹ thuật tạo chúa
1.1. Sử dụng mũ chúa chia đàn tự nhiên: Lấy các mũ chúa từ các đàn ong mạnh, đông quân, có năng suất mật cao, không bị bệnh, hiền lành để dùng.
Cách cắt mũ chúa: Khi mũ chúa già (phần đầu mũ chúa có màu nâu đậm), dùng dao nhỏ sắc cắt theo hình chữ V trên gốc mũ chúa 1,5 đến 2 cm.
Cách gắn mũ chúa: Dùng tay ấn lõm một lỗ nhỏ ở phần chứa mật trên bánh tổ của đàn cần thay chúa, nhẹ nhàng gắn mũ chúa vào vị trí đó.
* Lưu ý: Không nên dùng các mũ chúa được tạo từ các đàn nhỏ, bị bệnh.
1.2. Kích thích đàn ong chia đàn sớm để lấy mũ chúa:
Mũ chúa chia đàn thường có chất lượng tốt nhưng không chủ động được về thời gian và số lượng. Người nuôi ong có thể kích thích các đàn ong mạnh để ong thợ xây mũ chúa chia đàn sớm.
- Cách làm: Chọn các đàn ong 4-6 cầu đông quân, mật nhiều, cho ong ăn bổ sung nước đường, đổi cầu trứng hoặc trùng nhỏ lấy cầu nhộng già từ đàn khoẻ, khi ong non nở ra từ các lỗ tổ nhộng đàn ong mau chóng đông quân, chật trội ong sẽ xây mũ chúa chia đàn sớm. Khi các mũ chúa đã thâm đầu thì cắt đem sử dụng.
Là phương pháp tạo chúa đơn giản, thích hợp với nuôi ong qui mô nhỏ dưới 10 đàn. Nếu tạo đúng cách, chất lượng chúa cũng không thua kém ong chúa chia đàn tự nhiên và ong chúa được tạo bằng phương pháp di trùng.
- Các bước tạo chúa:
+ Chọn đàn ong mạnh có trên 4 cầu, đông quân và có các đặc tính tốt (năng suất mật cao, không bị bệnh, hiền lành) để tạo chúa;
+ Tách chúa khỏi đàn để ong thợ cảm thấy mất chúa và bắt đầu xây mũ chúa từ một số lỗ tổ ong thợ;
+ Loại bớt 1-2 cầu để ong bám dày lên các cầu còn lại nhằm làm cho mật độ quân đông nuôi dưỡng ấu trùng chúa tốt hơn;
+ Tiếp tục cho đàn ong ăn thêm nước đường (3-4 tối) liền cho tới khi các mũ chúa đã vít nắp;
+ Sau khi tách chúa 3 ngày kiểm tra vặt bỏ tất cả các mũ chúa trên bề mặt bánh tổ và một số mũ chúa ở dưới đã vít nắp (những ong chúa được tạo ra từ các ấu trùng 3 ngày tuổi);
+ Sau khi tách chúa 9 đến 10 ngày cắt các mũ chúa đã đen đầu để sử dụng.
Lưu ý: Nên tạo chúa vào vụ thuận lợi có nhiều phấn và mật.
2. Kỹ thuật giới thiệu chúa
Mỗi một ong chúa có chất chúa và mùi vị khác nhau nên có quan hệ thù địch với chúa lạ. Muốn giới thiệu thành công cần tách chúa cũ trước từ 6 đến 24 giờ để ong cảm thấy mất chúa, rồi giới thiệu chúa mới đã nhốt trong lồng để ong thợ tiếp xúc với ong chúa từ 12-24 giờ cho quen mùi mới thả ra.
2.1. Giới thiệu mũ chúa
Giới thiệu mũ chúa dễ dàng và an toàn hơn so với giới thiệu ong chúa.
- Cách làm:
+ Bắt chúa cũ khỏi đàn trước 6 giờ sau đó gắn mũ chúa già vào phần tiếp giáp giữa mật và phấn của cầu đặt ở giữa đàn.
+ Sau 2 đến 3 ngày kiểm tra xem chúa đã nở chưa, nếu chúa nở mà không bị dị tật như xoăn cánh, què chân là chúa tốt. Trường hợp mũ không nở hoặc chúa dị tật (xoăn cánh, què chân) thì thay bằng mũ chúa khác.
- Chúa tơ vừa mới nở rất dễ giới thiệu, có thể thả trực tiếp vào cầu ong.
- Chúa tơ càng già thì càng khó giới thiệu, phải cho chúa vào trong lồng như giới thiệu chúa đẻ.
- Bắt chúa cũ khỏi đàn trước khi giới thiệu chúa mới 6 đến 24 giờ;
- Giới thiệu lồng có chúa mới vào phần bánh tổ có các lỗ tổ mật;
- Sau 24 giờ, kiểm tra nếu thấy chỉ có một vài ong thợ mớm cho ong chúa phía ngoài lồng là ong đã quen với chúa mới có thể thả chúa ra. Trường hợp thấy ong bu rất đông xung quanh lồng nhốt chúa là ong chưa tiếp thu, để thêm 24 giờ nữa mới thả.
- Sau khi thả chúa 1 giờ cần kiểm tra, thấy chúa bò đi bò lại bình thường hoặc đang đẻ trứng là tốt, nếu bị vây thành cục cần giải vây bằng cách thả cục ong vào bát nước để ong tan ra bắt chúa vào lồng nhốt giới thiệu tiếp.
-Vào mùa ít hoa nở cần cho ong ăn thêm trước khi giới thiệu chúa.
3. Kỹ thuật chia đàn ong
Chia đàn làm tăng số lượng đàn ong trong trại và tăng quy mô nuôi ong, tăng sản lượng mật ong và có ong giống để bán. Chia đàn chủ động cũng là một biện pháp kỹ thuật phòng chống ong chia đàn tự nhiên.
- Mùa vụ: vào mùa có nhiều cây nguồn mật, phấn ngoài tự nhiên nở hoa đàn ong phát triển, đông quân, nhiều cầu (4 cầu trở lên), tiến hành chia đàn trước khi vụ mật chính bắt đầu khoảng 40-50 ngày.
3.2.1 Chia song song (chia đàn tại chỗ)
Là chia đàn ong thành 2 nửa bằng nhau đặt song song cách đều vị trí ban đầu.
- Chuẩn bị: 1 thùng ong sạch (thùng B) có cùng màu sơn, kích thước với đàn định chia (thùng A).
- Tiến hành: Vào cuối buổi chiều đặt đàn chia (thùng A ) sang một bên cách chỗ cũ 20 cm. Đặt thùng ong mới (thùng B) cách thùng A 40 cm sao cho hai thùng cách đều chỗ đặt cũ của thùng A. Chia đều đàn ong về số cầu, quân, con (nhộng, ấu trùng) và thức ăn. Ong chúa cũ để lại đàn A, còn đàn B sẽ giới thiệu mũ chúa hoặc chúa tơ. Ngày hôm sau quan sát thấy ong về đều 2 đàn là được. Nếu ong về nhiều đàn A thì nhích đàn A xa chỗ đặt cũ hoặc ngược lại. Khi ong đã về đều, tách dần 2 đàn ra xa hơn về hai phía, sau đó quay cho cửa tổ 2 đàn ong chếch về 2 hướng để ong chúa tơ cũng như ong thợ không về nhầm tổ. Khi chúa tơ của đàn mới đã nở được 2 ngày thì không được dịch đàn ong nữa vì chúa tơ dễ bị nhầm tổ khi bay định hướng hoặc bay giao phối trở về.
Chia đàn (có thể chia đôi giống như chia song song hoặc tách một phần đàn) sau đó chuyển đàn chia đến điểm mới cách trại cũ trên 1km. Có thể chia vào các thời điểm trong ngày. Sau khi chuyển đến điểm mới tiến hành giới thiệu chúa (mũ chúa, chúa tơ hoặc chúa đẻ). Ưu điểm của phương pháp này là không phải điều chỉnh đàn ong nhưng tốn công đi lại chăm sóc.