Lạng Giang: Hợp tác xã nấm trẻ trên đà phát triển
Lượt xem: 451  | Ngày đăng: 03/01/2022

Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống với hơn 10 năm đi làm tại các cơ quan từ Bắc vào Nam, anh Lương Văn Tú quê ở Thôn Chùa, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang không thỏa mãn với mức lương được hưởng, anh quyết định trở về quê lập nghiệp từ trang trại trồng nấm, nay phát triển thành hợp tác xã, mỗi năm cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng.

Tốt nghiệp Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên với chuyên ngành lâm nghiệp, anh Tú có ít kiến thức về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thời gian đầu triển khai, anh không được gia đình và anh em ủng hộ vì bỏ công việc nhà nước. Nhận thấy nguồn nguồn nguyên liệu (mùn cưa) sẵn có ở địa phương vì có rất nhiều xưởng gỗ, giá thuê công lao động lại rẻ nên anh Tú tìm mọi cách thuyết phục gia đình. Được sự ủng hộ, anh Tú tận dụng 200 mét vuông sân nhà làm lán treo bịch nấm, tự thiết kế lò hấp bịch nấm. Năm đầu anh làm được 5 nghìn bịch nhưng lò hấp tự thiết kế chưa đảm bảo về kỹ thuật khiến mẻ nấm đầu tiên hiệu quả không cao. Dần dần anh Tú rút kinh nghiệm ở mẻ sau và đã thành công.

Hiện, trang trại của anh Tú rộng khoảng 4.600 mét vuông kiên cố, anh đã nắm chắc về kỹ thuật cấy sản xuất phôi từ giống gốc cấp I,II,III và làm khá thành công về các giống nấm như sò, mộc nhĩ, kim phúc, nấm rơm, linh chi. Trong quá trình chăm sóc, anh Tú quan tâm đến các loại bệnh trên nấm vì bệnh của nấm có tính lây lan cao. Khi phát hiện một bịch nấm bị mốc (bệnh) thì cần nhanh chóng xử lý và cách ly, nếu không, nó sẽ lây lan ra cả trại, khi ấy thiệt hại sẽ rất lớn. Điều quan trọng để thành công với cây nấm, người trồng cần phải am hiểu chi tiết và có nhiều kinh nghiệm trong khâu chăm sóc – anh Tú chia sẻ.

Bên cạnh việc bán nấm, anh Tú còn cung cấp phôi giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh như tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương… Riêng năm 2017, anh cung cấp khoảng 16 tấn giống hạt và 30 vạn giống que cùng 120 nghìn bịch phôi nấm các loại. Ngoài ra, anh còn tận dụng nguyên liệu tưởng chừng là thứ “phế phẩm bỏ đi” ở trại nấm để ủ với men vi sinh tạo  nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng và bán cho bà con ở địa phương. Theo tính toán, hợp tác xã trồng nấm của anh Tú mỗi năm cho doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 300 - 350 triệu đồng/năm.

Để nâng cao tay nghề, mới đây anh Tú tự bỏ kinh phí sang Trung Quốc học hỏi kỹ thuật nuôi cấy nấm Đông Trùng Hạ Thảo. Dự kiến năm 2018 anh mở rộng diện tích thêm khoảng 2.000 mét vuông nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, trong đó tập trung các loại dược liệu.

Hợp tác xã nấm của anh Tú không chỉ được kỳ vọng là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Bình Yên

 

 

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên