Sơn Động: Xây dựng thương hiệu mật ong rừng Phúc Thắng
Lượt xem: 217  | Ngày đăng: 03/01/2022

Xã Phúc Thắng, huyện Sơn Động với diện tích tự nhiên phần lớn là rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên có độ che phủ cao, hệ thực vật đa dạng, nguồn hoa phong phú, đây là một tiềm năng lớn thuận lợi cho sự phát triển của nghề nuôi ong lấy mật.

Nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật không quá nặng nhọc, hiệu quả kinh tế khá cao nên nhiều hộ dân trong xã đã truyền cho nhau kinh nghiệm bắt ong, làm thùng, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ong. Hiện toàn xã có 40-50 hộ nuôi ong rừng lấy mật, đây là nghề có thu nhập tương đối ổn định, giúp các hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Tiêu biểu là hộ ông Vi Văn Hồng ở thôn Hấu 2, xã Phúc Thắng, huyện Sơn Động với kinh nghiệm gần 20 năm săn ong rừng về nuôi lấy mật, mỗi năm ông bắt được khoảng 30 đàn, mỗi đàn kéo được khoảng 10 lít mật/năm, hàng năm bán ra thị trường khoảng 300 lít mật, với giá bán 180- 250 nghìn đồng/lít, đem lại thu nhập trên 50 – 70 triệu đồng/năm. Ông Hồng cho biết “Đây là giống ong nội được bắt từ  rừng về nuôi. Nghề nuôi ong phù hợp với vùng núi rừng nơi đây, bởi ngoài ba sào ruộng và chăm sóc rừng họ không có nghề phụ gì khác. Cũng vì điều này, tôi đã vận động thêm các hộ dân xung quanh cùng nuôi ong lấy mật, cho thu nhập khá, thị trường tiêu thụ thuận lợi, như năm nay đến tháng 6 gia đình tôi đã bán hết mật”.

Cùng thôn với ông Hồng có anh Vi Văn Chung là trưởng thôn cũng là một người nuôi ong giỏi ở địa phương. Gắn bó với đàn ong được 10 năm, với việc duy trì đều đặn 30-35 đàn, mỗi năm gia đình anh đưa ra thị trường khoảng 350 lít mật. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nuôi ong đang tạo nguồn thu chủ yếu cho gia đình. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong rừng anh Chung vui mừng cho biết, nuôi ong không khó, vốn đầu tư không nhiều, năm đầu tiên phải bỏ chút vốn ra để làm thùng nuôi, những năm sau thì chỉ bỏ công. Nhưng nuôi ong cần phải tỷ mỉ, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, nhẫn lại, tâm huyết với nghề. Có những lúc đàn ong hồn loạn cần có mặt ở đó để không có chúng cắn nhau, cắn quân nếu ong bay mất còn phải lên rừng tìm. Với kinh nghiệm nuôi ong nhiều năm, chỉ cần đi cách đàn ong từ 5-10m là biết đàn ong của mình, còn không có khi đi sát nó nhưng không biết có ong- anh Chung chia sẻ.

Kinh nghiệm của người dân địa phương cho thấy, chất lượng mật ong tùy thuộc vào thời gian khai thác mật. Mùa khai thác mật đạt hiệu quả cao nhất, chất lượng mật ngon nhất là tháng 3-4 âm lịch hàng năm lúc đó hoa rừng nở rộ nhất khắp nơi. Đến tháng 11 có mật đông chí nhưng hơi đắng bởi ong hút mật hoa thập cẩm, các tháng còn lại khai thác được ít hơn bởi qua vụ hè thu hoa rừng ít. Sản lượng khai thác mật tùy theo lượng đàn, đàn khỏe khai thác được nhiều mật hơn, đàn yếu hoặc đàn ong bị bệnh, ốm lười đi làm thì không có mật.

Theo ông Nguyễn Đức Nghịch- Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng, nghề nuôi ong ở xã đang phát triển. Mật ong được coi là một trong những đặc sản của vùng nhưng một vấn đề đang đặt ra hiện nay là sản phẩm làm ra và bán trên thị trường chủ yếu theo hình thức tự phát, người dân bán, thương nhân thu mua khi có nhu cầu nên mối liên kết này chưa thật sự bền vững. Với mong muốn đưa sản phẩm của mình trở thành một thương hiệu nổi tiếng không chỉ cung cấp mật cho những khách hàng quen ở quanh khu vực mà còn cung cấp cho khách hàng ngoài tỉnh thì việc xây dựng thương hiệu cho loại hàng hóa đặc sản này cần sự quan tâm của các cấp, các ngành.

Bài, ảnh: Hương Giang

 

Chú thích ảnh: Đàn ong được anh Vi Văn Chung bố trí đặt ngay dưới chân núi

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên