Việt Yên: Hố ủ phân compost – giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi
Lượt xem: 747  | Ngày đăng: 02/01/2022

Từ năm 2013 đến nay, Dự án LCASP tiến hành xây dựng và hỗ trợ được 7.000  hầm khí biogas dung tích nhỏ dưới 50m3, trong đó huyện Việt Yên đã xây dựng và vận hành thành công 820 hầm KSH các loại. Thực tiễn cho thấy, các hệ thống hầm khí biogas của Dự án LCASP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên với tình hình phát triển sản xuất, tăng đàn vật nuôi như tỉnh hiện nay dẫn đến việc quá tải hầm KSH. Để giải quyết vấn đề này, Dự án LCASP tiếp tục chương trình hỗ trợ xây hố ủ phân cũng như kết hợp tập huấn về phương pháp ủ phân compost cho bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm 2017, Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp đã hỗ trợ bà con xây dựng 15 hố ủ trên 8 huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn và tổ chức 30 lớp “tập huấn cho nông dân về sử dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi để ủ phân compost”. Các hộ tham gia xây dựng hố ủ phân phải có mặt bằng để xây dựng hố ủ, được Dự án LCASP hỗ trợ 100% kinh phí công xây dựng, nguyên vật liệu và các thiết bị đi kèm như: máy cắt cỏ, cuốc, xẻng, xe rùa, bạt che … Tổng kinh phí hỗ trợ xây dựng mỗi hầm 20m3 là hơn 21 triệu đồng.

Ông  Nguyễn Văn Lý ở thôn 6, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên là hộ được hỗ trợ xây dựng 1 hố ủ phân.  Trang trại tổng hợp của gia đình ông có diện tích khoảng 3900m2, trong đó có khoảng 160 gốc bưởi diễn đang cho thu hoạch, diện tích còn lại ông xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn. Mỗi năm gia đình ông chăn khoảng 20 con lợn nái, số lợn con được gia đình ông sử dụng hết để gia công nuôi lợn thịt, lượng phân thải ra từ chăn nuôi của gia đình là rất lớn. Theo đó, ông xây 2 hầm khí biogas hơn 50m3 để xử lý chất thải. Tuy nhiên do lượng phân thải ra nhiều nên hiện tượng quá tải vẫn xảy ra thường xuyên. Ông cho biết, gia đình ông đăng ký xây hố ủ của Dự án LCASP để đưa bớt lượng phân thải từ chuồng nuôi vào ủ phân vi sinh. Theo đó, lượng phân được phối trộn theo tỉ lệ 1 tấn phân chuồng; chất độn là các loại cây phân xanh, rơm, rạ, trấu, mùn cưa,…; men ủ 20 gói; đường hoặc nước rỉ mật 10kg và cám ngô hoặc cám gạo. Các lớp nguyên liệu ủ sử dụng lần lượt một lớp chất độn 15- 20cm và rộng 1,5 – 2m, sau đó rải một lớp phân chuồng, rắc một lớp cám ngô hoặc cám gạo rồi, hòa men ủ và rỉ mật tưới đều lên trên mặt; tiếp tục rải các lớp tiếp theo đến khi hết nguyên liệu. Nhờ được cán bộ Dự án LCASP hướng dẫn nên gia đình ủ đúng kỹ thuật, sau 6 tháng phân ủ tơi xốp, gia đình ông Lý sử dụng để bón cho toàn bộ diện tích cây ăn quả của gia đình, đã và đang cho hiệu quả kinh tế từ 70-100 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Ban quản lý Dự án nông nghiệp Các bon thấp cho biết, việc tăng đàn vật nuôi trong thời gian gần đây đã gây nên hiện tượng quá tải hầm khí biogas, gây ô nhiễm môi trường. Dự án triển khai chương trình hỗ trợ xây hố ủ cho các các hộ chăn nuôi trên địa bàn chính là giải pháp chống quá tải công trình khí biogas, sử dụng chất thải chăn nuôi ủ làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng. Với hiệu quả trên Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ và tập huấn cho bà con về ủ phân compost, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Minh Nga

 

 

 

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên