Liên kết sản xuất trong chăn nuôi gia công
Lượt xem: 269  | Ngày đăng: 03/01/2022

Chăn nuôi gia công là hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp nhưng thực tế sản xuất, doanh nghiệp chưa có trách nhiệm cao về công tác bảo vệ môi trường. Hơn thế, vô hình dung từ chỗ làm chủ, người dân trở thành lao động làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên chính mảnh đất của gia đình, quê hương mình. Câu hỏi đặt ra, người dân được và mất gì khi liên kết chăn nuôi gia công?

Thực trạng chăn nuôi gia công trên địa bàn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp &PTNT, toàn tỉnh có 61 hộ ký hợp đồng chăn nuôi lợn, gà thịt tại 8 huyện, thành phố ký hợp đồng chăn nuôi với với 05 Công ty (CP, DABACO, JAFA, RTD và AUSTFEED) theo hình thức gia công.

Cụ thể, chăn nuôi lợn nái gia công có 13 hộ với quy mô 9 nghìn con, sản lượng lợn con sinh ra trên 214 nghìn con/năm, chiếm 5,6% sản lượng lợn con cả tỉnh. Trong đó, chăn nuôi cho Công ty CP chiếm số lượng lớn nhất với 6 hộ tham gia, quy mô gần 6 nghìn con lợn nái, sản xuất trên 151 con/năm; Công ty DABACO với 5 hộ tham gia; JAFA và Austffeed mỗi Công ty có 1 hộ tham gia. Chăn nuôi lợn thịt gia công có 26 hộ, quy mô 50 nghìn con/lứa, thời gian nuôi mỗi lứa từ 3-3,5 tháng, trọng lượng xuất chuồng bình quân 110kg/con, sản lượng trên 16 nghìn tấn thịt lợn hơi/năm, chiếm 9,4% sản lượng thịt hơi toàn tỉnh. Trong đó, Công ty CP có số hộ chăn nuôi lớn nhất là 19 hộ, JAFA có 3 hộ nuôi… Chăn nuôi gà thịt gia công, có 25 hộ nuôi với quy mô 196 nghìn con/lứa, sản lượng gần 3 nghìn tấn, chiếm 7,2% sản lượng thịt toàn tỉnh. Trong đó, nuôi gà thịt lông trắng có 20 hộ tham gia; gà thịt lông màu có 05 hộ tham gia, chủ yếu là nuôi cho Công ty CP và DABACO.

Ông Thân Văn Hùng, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên cho biết, năm 2017 gia đình ông liên kết với Công ty CP nuôi 1.200 con lợn nái, mỗi năm cho gần 26 nghìn lợn con.Những năm trước, ông Hùngđầu tư chăn nuôi qui mô lớn nhưng do giá cả đầu ra bấp bênh và dịch bệnh liên tục gây thiệt hại lớn đến kinh tế gia đình. Kể từ khi hợp tác chăn nuôi lợn gia công với Công ty CP thu nhập rất ổn định, không phải lo về dịch bệnh và giá cả.

Để tham gia vào hệ thống chăn nuôi gia công, người chăn nuôi phải có vốn để xây dựng chuồng trại được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và an toàn dịch bệnh cho từng loại vật nuôi. Trong quá trình sản xuất, hộ nuôi gia công phải có lao động, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi. Con giống, thức ăn, thuốc thú y và sản phẩm chăn nuôi do Công ty quyết định, người chăn nuôi được trả công trên cơ sở năng suất, sản lượng theo hợp đồng không phải tự bán sản phẩm nên có nguồn thu khá ổn định.

Tuy nhiên, các trại chăn nuôi gia công thường có quy mô chăn nuôi lớn, công tác xử lý môi trường còn nhiều hạn chế, nguy cơ gây ô nhiễm khá cao; người chăn nuôi được hưởng lợi nhuận chưa tương xứng với chi phí khá lớn về vốn đầu tư xây dựng chuồng trại ban đầu; công tác quản lý nhà nước đối với các trang trại chăn nuôi gia công còn nhiều hạn chế, việc ký hợp đồng hoạt động sản xuất chăn nuôi của các công ty gia công với người chăn nuôi còn mang tính tự phát. 

Hạn chế chăn nuôi gia công

Ông Dương Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết, trong lúc nhiều nông dân chưa đủ vốn, khả năng tiếp cận và dự báo thị trường còn hạn chế, việc liên kết gia công chăn nuôi cho các tập đoàn chăn nuôi lớn vẫn đang là hướng lựa chọn khả thi nhất nhằm hạn chế rủi ro. Liên kết chăn nuôi gia công, chủ trang trại chăn nuôi được tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, kinh nghiệm quản lý từ các Công ty. Sản phẩm của các trại gia công có giá thành hạ, được sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi trên thị trường, có sức cạnh tranh lớn với sản phẩm chăn nuôi nông hộ, góp phần thúc đẩy nông hộ đổi mới để tồn tại và giảm dần số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn. Nhưng với thực trạng chăn nuôi gia công trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Tùng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiêm môi trường vi phạm pháp luật về môi trường; các chủ trang trại cần xây dựng chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hiện nay tổng đàn lợn gia công toàn tỉnh rất lớn cần hạn chế chăn nuôi theo hình thức này trong thời gian tới. Đồng thời ông đề nghị, Bộ Nông nghiệp &PTNT có quy chế quản lý chăn nuôi gia công, sớm đề xuất chăn nuôi thành ngành nghề sản xuất kinh doanh có điều kiện để quản lý chặt chẽ hơn. 

Bài, ảnh: Hương Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên