Tân Yên: Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp
Lượt xem: 719  | Ngày đăng: 03/01/2022

Anh là đại diện thanh niên tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang trong chương trình Tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp” được phát sóng gần đây trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Mức thu nhập 40 triệu đồng/tháng hiện nay khiến nhiều người mơ ước là câu chuyện khởi nghiệp làm giàu của anh Vũ Trọng Tạo, chủ trang trại của hơn một nghìn cặp chim bồ câu ở thôn Trại Tón, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên.

Cơ duyên với nghề

Năm 2009 tốt nghiệp Đại học khoa Kinh tế - Trường Đại học Bình Dương, anh Tạo chọn vào một công ty may ở tỉnh Bình Dương với mức lương chỉ vừa đủ nuôi thân. Sau đó anh làm thuê cho công ty kinh doanh bất động sản với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng nhưng kinh tế vẫn không khá lên được. Trong đầu luôn đau đáu suy nghĩ, mình là dân kinh tế phải làm gì đó để “tiền đẻ ra tiền”. Khi còn học Đại học, tình cờ anh cso dịp đến thăm một số cơ sở nuôi chim bồ câu ở Bình Dương. Nghe họ trò chuyện, nhẩm tính và so sánh với một số loài động vật nuôi khác như gà, vịt, lợn… anh Tạo thấy nghề này chăn nuôi có lãi. Anh mua mấy cặp chim bồ câu về nhà cho bố mẹ nuôi thử để lấy giống, còn tự mình lên mạng internet rao bán chim giống và tìm kiếm khách hàng.

Kể lại thời gian đầu nuôi chim bồ câu, anh Tạo bảo: "Cuối năm 2010, bất động sản trững lại, lương thấp, hàng không bán được từ đó mình có ý định chuyển nghề. May mắn là thời điểm đó mình đã tích cóp được 40 triệu đồng. Mình dùng toàn bộ số tiền đó mua 50 đôi chim bồ câu Pháp VN1 về lập trang trại rồi quyết định ở nhà làm ăn trước sự phản đối kịch liệt của các thành viên trong gia đình". Ông Vũ Văn Xê - bố của anh Tạo chia sẻ, tiếc công bỏ tiền nuôi con ăn học mấy năm giờ bỏ về quê nuôi chim nên khuyên con học xong có bằng cấp, ra ngoài làm, còn nuôi chim không biết thế nào, có bán được hay không và còn chưa tính đến chuyện chim bị dịch bệnh chết…

Nghe mọi người can ngăn anh chỉ im lặng nhưng trong đầu đã tính nếu nuôi với số lượng ít như thế cũng không đủ sống nên từ đó đã nảy ra ý tưởng vừa học vừa làm để lấy kinh nghiệm sau đó mới nuôi với quy mô lớn và chuyển thẳng về nhà làm từ đó mới thuyết phục được bố mẹ.

40 triệu đồng -  khởi nghiệp thành công

Năm 2010, từ khu chuồng nuôi lợn cũ được anh cải tạo thành chuồng nuôi chim bồ câu. Năm đó anh đã đầu tư 40 triệu đồng để xây dựng chuồng và mua 50 cặp chim bố mẹ về nuôi. 6 tháng tiếp anh tích lũy được 50 triệu đồng và tiếp tục mở rộng quy mô lên gấp đôi. Từ đó cứ dần nhân đàn và đến nay trong chuồng có hơn 1 nghìn cặp bồ câu. 

Khác với chuồng nuôi lần trước, lần này anh thiết kế chuồng nuôi theo hướng công nghiệp. Bồ câu là vật nuôi sinh trưởng và phát triển nhanh, từ khi nở cho đến khi bồ câu non ra ràng là 45 ngày, trong khoảng thời gian ấy bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con. Về nguồn thức ăn thì rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nguồn nước uống sạch với hình thức nuôi công nghiệp hay nuôi trong nhà lưới thì trong khẩu phần thức ăn nên cho ăn thêm cám công nghiệp của gà đẻ như vậy hiệu quả cao hơn. Chia sẻ về kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc chim bồ câu anh Tạo cho biết, nuôi chim bồ câu đòi hỏi người chăn nuôi phải tỷ mỉ, thường xuyên để ý nhất là cần quan sát phân của chúng nếu có dấu hiệu bất thường thì phải mua thuốc về tiêm. Vào mùa đông chim dễ bị đi ngoài phân trắng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời để lây lan thì chuyển sang bệnh Newctons, gây chết hàng loạt. Để cho đàn chim phát triển ổn định, ít bệnh tật, người chăn nuôi cần làm cho chim bồ câu chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng, hàng năm định kỳ tiêm phòng sẽ yên tâm. Hiện nay, bình quân mỗi tháng gia đình anh xuất bán hơn  200 cặp chim giống và thương phẩm với giá thấp nhất là 180.000 đồng/cặp, bồ câu thịt 120.000 đồng/cặp. Sau khi trừ các chi phí thức ăn, gia đình anh thu về 40 triệu đồng tiền lãi/tháng - mức thu nhập khá hấp dẫn tại vùng nông thôn. Theo tính toán của anh trong trường hợp giá chim bồ câu thịt xuống thấp nhất là 50.000đ/con thì người chăn nuôi vẫn có lãi vì chi phí nuôi chim bồ câu cực rẻ.

Anh chia sẻ thêm, hiệu quả nuôi chim bồ câu cao hơn nhiều so với nuôi các loại gia súc, gia cầm  khác do chi phí đầu tư  không quá cao, không phải tốn nhiều công sức để chăm sóc lại thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, diện tích để nuôi chim bồ câu không cần phải lớn. Đây là một hướng chăn nuôi rất phù hợp với những hộ nông dân nghèo. Mới đây, trong chương trình Tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp” anh Tạo chia sẻ với các bạn thanh niên đã và đang bắt đầu khởi nghiệp rằng, vốn là điều kiện cần để khởi nghiệp nhưng theo tôi nó không phải là quan trọng nhất mà quan trọng hơn là mình phải tìm được con đường khởi nghiệp đúng để đi đến thành công.  

Trong những năm qua, để phát triển thị trường chim bồ câu của mình, trang trại của anh Vũ Trọng Tạo đã liên kết với Sở Nông nghiệp và PTNT của nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Phú Thọ... nhận cung cấp giống chim bồ câu chất lượng cao và hỗ trợ kỹ thuật trong việc chăn nuôi chim bồ câu. Những gia đình nào mua giống chim từ trại chim bồ câu của anh cũng đều được cung cấp bộ tài liệu chăm sóc, phòng trị dịch bệnh chim bồ câu miễn phí. Ngoài ra, bất kể hộ gia đình hay trang trại chăn nuôi nào gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc chim bồ câu cũng có thể gọi điện thoại, anh Tạo sẽ trực tiếp tư vấn và giúp đỡ miễn phí.

Bài, ảnh: Hương Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên