Việt Yên: Ớt cay hóa ngọt
Lượt xem: 206  | Ngày đăng: 03/01/2022

Trong khi người trồng rau màu đang đau đầu vì giá thấp, đầu ra khó thì người trồng ớt trên địa bàn huyện Việt Yên lại phấn khởi vì năm nay ớt được mùa và giá bán cao, đỉnh điểm lên đến 80.000 đồng/1kg như  vụ ớt đang thu hoạch.

Vụ đông năm 2016, mặc dù thời tiết đầu vụ không thuận, nắng nóng, độ ẩm cao khiến nấm, vi khuẩn phát sinh gây hại trên một diện tích ớt cộng với ảnh hưởng của mưa bão dẫn tới năng suất ớt giảm, thu hoạch muộn hơn so với năm trước. Tuy nhiên, chưa năm nào người trồng ớt thấy vui, phấn khởi như năm nay. Từ đầu tháng 12, giá thu mua ớt tại xã Tự Lạn, huyện Việt Yên có sự tăng đột biến, có thời điểm lên đến 80.000 đồng/kg. Đầu vụ, giá ớt dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, đến đầu tháng 11 tăng lên 30.000 đồng/kg và tăng hơn theo thời gian. Đây được coi là giá thu mua “kỷ lục” trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Theo một số người dân và thương lái mua, giá ớt tăng cao là do ảnh hưởng của lũ lụt khiến diện tích trồng ớt tại các tỉnh miền Trung bị thiệt hại dẫn tới sản lượng thấp, thậm chí nhiều vùng thất thu. Trong khi đó, ngoài tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu chính của ớt Việt Nam là Trung Quốc với thời tiết mùa đông lạnh, nhu cầu tiêu thụ ớt càng tăng mạnh.  

Mỗi khi chiều về, trên cánh đồng thôn Đồng Niên, xã Tự Lạn, bà con nông dân nhộn nhịp thu hoạch ớt để kịp cân cho thương lái. Vừa nhanh tay hái ớt, ông Nguyễn Văn Long chia sẻ, vụ đông năm 2016, gia đình tôi trồng hơn 3 sào ớt, vào thời điểm thu hoạch rộ có thể đạt trên 50 kg ớt/ngày, giá ớt tăng cao nên bà con địa phương rất phấn khởi. Trừ chi phí, vụ ớt này gia đình tôi có thể thu lãi hơn 70 triệu đồng. 

Cùng thôn với ông Long, gia đình bà Nguyễn Thị Cửi trồng hơn 1 sào ớt, đến thời điểm này bà nhẩm tính lãi trên 20 triệu đồng và cây ớt vẫn đang cho thu quả. Với kinh nghiệm trồng ớt nhiều năm bà Cửi chia sẻ, sau những đợt thu quả thấy cây ớt “đói ăn” thì cho nước vào và bón phân chăm sóc, cứ như vậy cây tiếp tục cho nhiều quả và thời gian thu hoạch được dài. Cây ớt bắt đầu trồng vào tháng 9, cho thu quả vào khoảng tháng 11 và kéo dài cho đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Giai đoạn cây con đến ra hoa rộ giữ ẩm thường xuyên bằng cách tưới hốc hoặc tưới rãnh. Khi cây phân cành loại bỏ cành sát gốc chỉ để các nhánh từ vị trí chạc 3 trở lên giúp cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và dinh dưỡng đi nuôi các cành không có hiệu quả, cắm cọc tre chống đổ khi gặp gió to, mỗi luống cắm 2 hàng với mật độ 1m cắm một que, sau đó dùng dây nilon buộc nối các cọc lại để chống đổ cho cây. Khi cây ra quả rộ, giai đoạn này trở đi chủ yếu tưới rãnh và lưu ý khi tưới chỉ cho nước vào ngập 1/2 chiều cao luống, khi nước hút vào 1/3 luống dùng gáo tưới cho cây sau đó lại phải tháo nước ra ngay không để nước ngâm rãnh, nếu rãnh có nước cây dễ bị nhiễm bệnh héo xanh… 

Như vậy, theo hạch toán của người dân xã Tự Lan, nếu chăm sóc tốt, mỗi sào trồng ớt có thể cho 1 tấn quả, với giá bán thấp nhất 20.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi khoảng 15 triệu đồng/sào. 

Mặc dù giá thu mua ớt tăng cao đã giúp người nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào thương lái nên giá thu mua vừa qua tăng đột biến nhưng không có tính ổn định. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động tăng cường mối liên kết giữa 4 nhà và nâng cao ý thức ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp để tránh bị thiệt thòi. Tạo điều kiện hỗ trợ khuyến khích các mô hình dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa, bảo đảm tính bền vững của nền sản xuất.

Bài, ảnh: Hương Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên