Yên Dũng: Sản xuất khoai tây vụ Xuân - Làm chơi ăn thật
Lượt xem: 236  | Ngày đăng: 03/01/2022

“Sáng trồng chiều thu, làm chơi ăn thật” là cách nói vui, hóm hỉnh của người trồng khoai tây vụ Xuân năm nay tại xã Tân An, thị trấn Tân Dân huyện Yên Dũng, cho thấy sự thuận lợi và hiệu quả cây trồng này.

Trong tiết trời giá rét, mưa phùn của những tháng đầu năm, nhiều người dân ở địa phương vẫn tấp nập ra đồng thu hoạch những thửa khoai cây còn xanh với niềm vui hân hoan của một mùa vụ “được mùa, được giá”. Ông Nguyễn Đức Trung – trưởng thôn Kim Xuyên cho biết, phong trào trồng khoai tây tại địa phương phát triển mạnh từ sau những năm 2006 khi Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện mô hình thí điểm trồng khoai giống. Khi đó diện tích trồng còn lẻ tẻ, cả xã khoảng 6 ha, nhưng đến nay tăng lên 15 ha, tập trung nhiều ở các thôn Thắng, Đạo, Giữa, Kim Xuyên. Giống khoai Sở Khoa học và Công nghệ đưa về có củ hình bầu dục, lòng vàng, năng suất đạt 5-6 tạ/sào. Qua thời gian trồng nhiều năm, được giới thiệu tiếp cận với nhiều loại khoai khác nhau, đến nay cả xã đều đang trồng giống khoai Đức lùn, củ ăn vị đậm, cho năng suất cao và ít bị sâu bệnh hơn.

Vụ Xuân năm nay, người dân địa phương vui mừng vì thời tiết lúc trồng thuận lợi, mưa ít nên khoai không bị sâu bệnh gây hại, giảm công chăm sóc và chi phí thuốc bảo vệ thực vật, năng suất trung bình 7-9 tạ/sào. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Nghi ở xóm Thắng trồng 7 sào, nhờ chăm sóc tốt, có kinh nghiệm trồng, thường xuyên kiểm tra, theo dõi nên năng suất đạt khoảng 1 tấn/sào, với giá bán khoai to 10.500 đồng/kg, cân xô 9.000-9.500 đồng/kg, gia đình ông thu lãi từ 7-8 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Cái thích của trồng khoai là không phải phơi khô, làm sạch, dỡ khoai lên có người đóng túi, đóng bao ngay tại bờ, cân nóng sốt và có tiền ngay. Năm nay lúc trồng, lúc bán đều thuận, giống như làm chơi ăn thật ấy – ông Nghi hóm hỉnh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của người dân xã Tân An, khoai tây vụ Xuân khung thời vụ trồng từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 âm lịch năm trước, cuối tháng 2 âm lịch năm sau bắt đầu thu hoạch kéo dài 15-20 ngày. Hạnh toán chi phí cho mỗi sào cần: 5 tạ phân chuồng hoai mục, 10 kg đạm, 25 kg lân ba màu, 30 kg lân Nhật, 15 kg kali, 30-40 kg giống và thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch, khoai to bán thương phẩm ngay, loại nhỏ gửi kho lạnh tư nhân tại trung tâm xã để làm giống cho vụ đông tới, giá dịch vụ gửi 5.000 đồng/kg. Chị Đỗ Thị Hà, cán bộ khuyến nông xã Tân An cho biết, so với vụ Đông thì trồng khoai vụ Xuân sạch bệnh, hiệu quả cao hơn do giá bán thường ổn định. Cả xã vụ này vài chục ha, năng suất trung bình 8-9 tạ/sào, cao gần gấp rưỡi so với những năm trước. Người sản xuất được huyện hỗ trợ một phần giống và tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại. 

Còn tại thị trấn Tân Dân, ông Ngụy Văn Thi thôn Trung 1 trồng 5 sào phấn khởi chia sẻ, năm ngoái giá khoai thấp do thương lái dìm giá. Năm nay, người dân địa phương khảo sát giá cả trên thị trường nên nắm bắt được thông tin. Mặt khác tư thương ngày càng nhiều, quen khách nên họ chủ động liên hệ với địa phương. Khoai dỡ đến đâu họ cân hết đến đó. Vụ này gia đình thu lãi trên 40 triệu đồng, giá cân 9.500 đồng/kg. 

Trò chuyện với ông Nguyễn Đức Tòng – thôn Kim Xuyên, xã Tân An, điểm thu mua khoai 5 năm nay tại địa phương, cung cấp cho các chợ đầu mối và thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam… mới biết, giống khoai Đức tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao do mẫu mã đẹp, trọng lượng củ vừa phải, đặc biệt ăn bở và đậm. Loại củ này có thể để được thời gian dài, tương đối an toàn nên người tiêu dùng rất thích. Vụ này ông Tòng thu mua được khoảng 60 tấn khoai trên địa bàn huyện để xuất ra thị trường.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, toàn huyện có gần 1.000 ha sản xuất khoai cả vụ Đông và vụ Xuân, tập trung ở các xã Tân An, Cảnh Thụy, Tư Mại, Yên Lư, Xuân Phú. Trong đó sản xuất khoai giống nhiều ở xã Tân An và thị trấn Tân Dân. Năm nay giá khoai tương đối ổn định từ đầu đến cuối vụ nên người dân phấn khởi. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tích tụ ruộng đất sản xuất tập trung thành vùng hàng hóa lớn; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh kịp thời; chuyển giao giống mới năng suất, chất lượng để người dân tiếp cận; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị ký kết hợp đồng sản xuất với người dân…

Bài, ảnh: Thanh Phúc

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên