Yên Dũng: Người tiên phong nuôi cá thâm canh thành công tại xã Thắng Cương
Lượt xem: 204  | Ngày đăng: 03/01/2022

Quyết đoán trong suy nghĩ, táo bạo trong hành động, dám nghĩ, dám làm là bí quyết giúp anh trở thành người đầu tiên trên địa bàn xã thành công với mô hình nuôi cá thâm canh, mở ra một hướng đi mới cho vùng quê nghèo chiêm trũng. Đó là trường hợp anh Trần Văn Tình ở thôn Tân Cương, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng.

Với suy nghĩ, muốn giàu phải chịu đầu tư, làm tập trung chứ không thể sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, năm 2012 khi xã có chính sách bán đất, anh Tình đã mạnh dạn chi hơn 1 tỷ đồng đấu thầu khoảng 03 ha đất nông nghiệp ngoài đê trong vòng 50 năm để phát triển kinh tế. Mục đích của anh là cải tạo lớp đất phù sa múc lên quy hoạch thành vườn trồng cây ăn quả và xây dựng chuồng nuôi lợn, gà. Thế rồi tình cờ trong việc làng, anh có dịp được trò chuyện cùng người em họ là cán bộ khuyến nông tỉnh, được nghe tư vấn anh Tình nảy sinh ý tưởng nuôi cá. Sẵn có kinh nghiệm của bản thân, ngẫm lại thấy phù hợp với lợi thế vùng đất trũng mới mua, anh Tình quyết định đầu tư vốn nuôi cá theo hình thức thâm canh.

Bắt đầu từ việc thuê máy múc đào ao rộng 12.000 m2, xây tường bao kiên cố, vững chắc, làm mới đường, kéo dây điện thắp sáng, mua các loại máy cơ giới hóa như máy sục khí oxy, quạt nước… Tháng 5/2016, anh Tình thả 1 vạn cá Rô phi đơn tính, 600 cá Trắm, 800 cá Chép và 300 cá mè trắng. Nhờ sự tư vấn, hướng dẫn và chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên, sát sao của cán bộ khuyến nông cùng với nguồn thức ăn bảo đảm chất lượng tốt của Công ty TNHH De Heus, mô hình sau 6 tháng nuôi đã giành thắng lợi cao với tổng sản lượng cá 12 tấn các loại, giá bán trung bình 38.000 đồng/kg, gia đình anh Tình thu được 456 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 180 triệu đồng.

Vui vẻ chia sẻ với chúng tôi, anh Tình cho hay: “Yếu tố quan trọng để thành công chính là sự yêu nghề và quyết tâm cao”. Sinh ra và lớn lên từ một vùng quê thuần nông, từ nhỏ anh Tình đã phải làm vất vả, việc đồng áng, dãi nắng dầm mưa, mò cua bắt ốc là công việc hằng ngày. Khi xây dựng gia đình riêng anh từng đào ao nuôi cá nhưng quy mô nhỏ, không có người tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật mà làm theo bản năng nên hiệu quả thấp. Hơn nữa thị trường tiêu thụ chủ yếu ở chợ làng, giá bấp bênh khiến anh không mấy mặn mà mở rộng quy mô. Nhưng nay khoa học đã tiến bộ, phương thức chăn nuôi đổi mới, có cán bộ hướng dẫn, đầu ra sản phẩm nhiều doanh nghiệp thu mua, người dân mạnh dạn đầu tư áp dụng đúng quy trình kỹ thuật là sẽ có hiệu quả cao – anh Tình khẳng định.

Nói về định hướng trong tương lai, anh Tình cho hay sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ao và tăng số lượng cá đầu vào, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung bền vững. Bên cạnh đó trồng xen canh một số loại cây ăn quả như chuối, ổi, táo… Cụ thể vụ thứ hai anh Tình vào 1,3 vạn cá Rô phi đơn tính, cá Trắm, Chép và mè tăng gấp đôi so với vụ đầu. Dự kiến tháng 4 sẽ thu.

Mô hình của gia đình anh Tình mặc dù năm đầu tiên thực hiện nhưng đã thành công cao, được nhiều người trong xã đến tham quan, học tập và làm theo. Minh chứng là ông Trần Thế Chung - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thắng Cương ngay sau đó đã vào 2 vạn cá Rô phi đơn tính, 600 cá Trắm và 1,2 nghìn Chép, quy hoạch thành 04 ao nuôi gồm 02 ao nuôi cá giống và 02 ao nuôi cá thương phẩm. Thời điểm này, cá sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, không có biểu hiện dịch bệnh.

Ông Chung cho biết, xã Thắng Cương hiện có khoảng 80 - 100 ha diện tích đất trũng phù hợp với nuôi trồng thủy sản. Trước đây diện tích này chủ yếu cấy lúa, số ít thả cá tự do nhưng hiệu quả thấp. Từ năm 2014 xã thực hiện dồn điền đổi thửa, phấn đấu đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ xã đến năm 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40 - 50 triệu đồng/ năm, lãnh đạo xã khuyến khích người dân địa phương chuyển đổi diện tích trũng cấy lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, mở rộng diện tích nuôi tập trung lên trên 100 ha, vừa phát huy được tiềm năng vùng, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Trong đó các đồng chí đảng viên, cán bộ trên địa bàn xã phải là những người gương mẫu, đi đầu trong việc đầu tư phát triển kinh tế. Bản thân ông Chung đã và đang tiên phong trong công cuộc đổi mới, góp phần tạo nên diện mạo khởi sắc cho quê nhà.   “Mục tiêu không xa, chúng tôi tiến tới thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản tại thôn Tân Cương, bảo đảm các dịch vụ từ khâu giống, kỹ thuật đến đầu ra cho sản phẩm. Các hội viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, học tập cách làm của nhau” – ông Chung nói. Bởi theo lãnh đạo huyện Yên Dũng, ngoài Lão Hộ, Tiến Dũng, Xuân Phú, Đồng Phúc thì Thắng Cương cũng được đánh giá là xã có tiềm năng phát triển phong trào nuôi trồng thủy sản tập trung.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên