Thành phố Bắc Giang: Người tiên phong đưa cây đào về thôn Núm
Lượt xem: 233  | Ngày đăng: 03/01/2022

Tới thăm gia đình anh vào một buổi chiều giáp Tết Đinh Dậu, khi anh đang miệt mài chăm sóc những khóm đào chuẩn bị bung những cánh hoa khoe sắc đón chào một mùa xuân ấp áp. Hỏi thăm về anh hầu như ai cũng biết bởi lẽ anh là một người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi nhất nhì trong xã. Hiện anh là hội trưởng hội nông dân và là một phó thôn tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống nông thôn mới. Anh là Nguyễn Văn Hưng ở thôn Núm, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang.

Trở về từ chiến trường với ý trí, nghị lực của một người lính, anh Hưng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, cuối cùng cũng tìm ra được hướng đi đúng và phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho 9 thành viên trong gia đình chỉ trên phần đất canh tác 3,5 sào ruộng. Tâm sự với chúng tôi anh Hưng cho biết, trước kia gia đình anh có khoảng 5 sào ruộng, với 6 khẩu, anh luôn trăn trở làm gì, làm như thế nào để đảm bảo được cuộc sống đủ đầy cho các cháu nhất là khi chủ chương chính sách thu hồi đất của nhà nước được ban hành, gia đình anh bị thu hồi 1,5 sào, chỉ còn vẻn vẹn 3,5 sào ruộng. Anh đã nhiều lần chuyển đổi cây trồng mà vẫn không đủ ăn. Rồi anh quyết định nấu rượu, tận dụng những phụ phẩm như bã rượu để nuôi thêm lợn. Tuy nhiên những năm đầu gặp nhiều khó khăn do anh chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, đàn lợn mắc bệnh không được phát hiện kịp thời, điều trị không đúng hướng, nhiều khi lợn chết hàng loạt, chưa kể đến giá cả thị trường bấp bênh, có thời điểm giá lợn hơi giảm mạnh anh thua lỗ nhiều. 

Năm 1998 anh quyết định giành phần đất nông nghiệp ít ỏi của gia đình mình để trồng đào. Anh chính là một trong những người tiên phong đưa cây đào về trồng trên đồng đất xã Dĩnh Trì. Có lẽ đây chính là con đường đi đúng đắn và phù hợp với anh. Nhờ hơn hai mươi năm kinh nghiệm, giờ đây anh đã thực sự chủ động được cả vốn cũng như kỹ thuật chăm sóc cây đào của gia đình mình, chính vì thế mà hầu như năm nào anh cũng bán được nhiều đào nhất nhì xã. Anh Hưng nói: “Mỗi sào tôi trồng được khoảng 180 cây. Với giá đào một năm tuổi dao động trong khoảng từ 130.000 – 170.000đ/cây, đào hai năm tuổi giá giao động từ 270.000 – 300.000đ/cây, trừ chi phí (giống, phân bón, thuốc trừ sâu, cây cọc để uốn) gia đình thu lãi khoảng 25 – 27 triệu đồng/1 sào. Tổng thu nhập từ đào của gia đình anh gần 100 triệu/3,5 sào/năm”. Trên 3,5 sào ruộng thì hai vợ chồng anh làm là vừa, còn các cháu bao gồm cả con trai con dâu anh đều làm công nhân với thu nhập bình quân 5-6 triệu /người/tháng. Những năm trước anh có trồng thêm hoa rơn tuy nhiên thu nhập từ hoa rơn chỉ vỏn vẹn 10 triệu/sào chưa trừ chi phí giống, phân bón…. Đến nay anh đã chuyển hoàn toàn sang trồng đào. 

Với anh Hưng, khó khăn nhất trong quá trình trồng đào chính là việc điều tiết làm sao cho đào ra hoa đúng thời điểm dịp Tết. Muốn điều tiết được buộc người trồng đào phải dày dặn kinh nghiệm, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để can thiệp kịp thời. Những năm thời tiết ấp áp như năm nay muốn cho đào nở đúng dịp thì phải tuốt lá muộn hơn so với những năm trời tiết giá lạnh kéo dài. Vào giữa trung tuần tháng 11 nếu thấy nụ đào mẩy chuẩn bị nở anh hãm nở bằng cách vạc gốc, chặt rễ xung quanh, còn năm nào thời tiết lạnh kéo dài hoa lâu nở anh bơm nước kết hợp tưới phân kali để thúc đào nở sớm. Trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên kiểm tra phát hiện kịp thời bệnh trên cây đào để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cũng theo anh Hưng chia sẻ, bệnh trên cây hoa đào chủ yếu là bọ đỏ, rệp sáp và nấm. Mỗi bệnh khác nhau dùng thuốc đặc trị khác nhau, nếu bệnh nặng cần phun liên tục 5 ngày một lần phun 2-3 lần liên tục.

Đặc biệt anh là người rất thích tìm tòi học hỏi, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do Hội nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Qua các lớp tập huấn đó, anh đã mạnh dạn đưa những tiến bộ khoa học áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đưa các giống đào mới về trồng thử nghiệm. Không những làm kinh tế giỏi anh còn có kinh nghiệm 10 năm làm hội trưởng hội nông dân, làm phó thôn và nay là hội trưởng hội cựu chiến binh thôn nhà, luôn năng động luôn đi đầu trong các phong trào thể dục thể thao như bóng chuyền, bóng đá. Dưới sự dìu dắt của anh, chi hội nông dân thôn Núm nhiều năm đạt chi hội trong sạch vững mạnh xuất sắc. Bản thân anh cũng vinh dự được các cấp chính quyền tặng Giấy khen. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - trưởng thôn Núm, xã Dĩnh Trì khẳng định, gia đình anh Nguyễn Văn Hưng là một trong số những gia đình tiêu biểu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gia đình nhiều năm liên tục đạt danh hiệu gia đình văn hóa, các con anh đều thành đạt và ngoan ngoãn.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thanh

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên