Tân Yên: Lão nông thành công nhờ ghép ngũ quả trên cây chơi ngày Tết
Lượt xem: 233  | Ngày đăng: 03/01/2022

Với thành công nhờ “thủ thuật” ghép ngũ quả trên cây, ông Thân Văn Cảnh ở thôn Húng, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên khẳng định: “Chỉ khoảng 2 năm nữa tôi sẵn sàng đem cây ngũ quả của gia đình đi thi với nhiều hộ khác trên địa bàn tỉnh”. Ông chính là người đã tạo 5 loại quả khác nhau trên một cây với màu sắc bắt mắt, thu hút nhiều khách đến mua làm quà hoặc trưng bày trong nhà dịp Tết Nguyên đán sắp tới. 

Dám nghĩ, dám làm

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Cảnh vào lúc hai ông bà đang cặm cụi chăm sóc vườn cây của gia đình. Ông cho biết, trước kia gia đình nuôi gà đẻ và ấp trứng nhưng do tuổi cao nên ông chuyển sang trồng cây ăn quả và các loại cây cảnh chơi Tết như đào, quất, hoa lan, bưởi diễn cảnh… Đặc biệt năm nay lần đầu tiên ông đưa ra thị trường cây ngũ quả phục vụ nhu cầu người dân chơi Tết.

Chuyện là, năm 2011 khi được một người cháu rủ xuống vùng Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội tham quan học tập mô hình trồng cây cảnh, ông Cảnh được tận mắt ngắm những cây phật thủ, từ đó ông suy nghĩ “người ta làm được mình cũng làm được”. Với bàn tay khéo léo, cộng với sự nhạy bén trong làm kinh tế, nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, do đó ông nảy sinh ý tưởng và quyết tâm ghép một cây cho 5 loại quả để không khí ngày tết thêm độc đáo, mới lạ hơn. 5 loại quả trên cây là bưởi diễn, cam, quýt, phật thủ và quất. Trừ quả phật thủ phải mua từ bên ngoài, thì các loại quả khác ông Cảnh đều trồng tại vườn. Những cây chọn ghép là cây có bộ rễ chùm khỏe. Quá trình chăm sóc cây ghép quả cũng không mất nhiều công đoạn cầu kỳ. Theo những người làm vườn như ông Cảnh ngoài việc chăm bón phân, phun thuốc trừ sâu theo định kỳ thì yếu tố quan trọng hơn khi ghép cây ngũ quả cần lưu ý đến việc chọn quả và cách ghép. Quả khi mang ghép vào cây cần chọn loại quả ở cây non, cuống quả với nhánh cây khi ghép cần tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilon ở vết ghép để quả có thể hấp thụ dinh dưỡng trên thân cây nhanh.

Ông Cảnh cho biết, cây gốc là bưởi diễn ông trồng được 3 năm và đến tháng 5, 6 ghép cam đường, quất, tháng 9 sẽ ghép quả phật thủ. Như vậy các loại quả sẽ chín đều vào đúng dịp Tết. Đây là năm đầu tiên ông ghép thành công 50 chậu cây ngũ quả. Giá mỗi cây ngũ quả khoảng 3-5 triệu đồng/cây, cây to có thể lên tới 10-15 triệu đồng. Theo lời ông Thân Văn Cảnh, không giống như các cây cảnh khác, chỉ vài ngày sau Tết các quả trên cây sẽ rụng xuống, với cây ngũ quả các gia đình có thể để chơi hết tháng Giêng, các quả trên cây vẫn giữ vị ngọt, chua như các cây bình thường khác.

Vườn cây “thập cẩm”

Không chỉ có cây 5 loại quả, hoa lan của gia đình ông cũng thật đẹp, nhiều loại đã cho hoa, cây nhỏ nhất cũng được giá từ 800- 1.000.000 đồng, những gốc to có giá vài chục triệu đồng. Ông đùa vui: “Hôm trước có khách hàng vào mê mẩn vườn lan ý gạ tôi đổi xe ô tô lấy cả vườn lan nhưng tôi không đồng ý”. Bên cạnh đó, 500 gốc đào trên 3 năm tuổi, hàng trăm gốc quất cũng thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người còn đặt hàng từ cách đây cả tháng. Với vườn cây ăn quả và cây cảnh rộng 01 ha, mỗi năm gia đình ông Cảnh thu nhập trên 500 triệu đồng.

Cây ngũ quả không những mang tính thẩm mỹ cao mà vào ngày Tết chỉ cần bước chân vào nhà có thể ngửi thấy mùi hương thơm của quả bưởi diễn, phật thủ… Ông Cảnh hy vọng cây như mâm ngũ quả sẽ mang đến sự thịnh vượng, cát tường và hạnh phúc no đủ cho các gia đình trong ngày Tết Nguyên đán.

Bài, ảnh: Hương Giang

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên