Người cựu chiến binh giỏi làm kinh tế
Lượt xem: 219  | Ngày đăng: 07/12/2021

Những năm qua, xã Tam Tiến (Yên Thế) có nhiều mô hình kinh tế do cựu chiến binh làm chủ có hiệu quả cao. Mô hình nuôi lợn siêu nạc của cựu chiến binh Bùi Trọng Tân ở bản Mỏ Trạng là một điển hình.
Ông Đỗ Xuân Đỉnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Tiến đưa chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của ông Bùi Trọng Tân ở bản Mỏ Trạng. Không còn là con đường đầy gai góc và cỏ dại, phải lội suối mới sang được như trước, hiện nơi đây đã có ngầm qua suối và đường dẫn vào nhà ông Tân, tuy nhỏ, lại ngoằn ngoèo, nhưng cũng dễ đi. Ông Đỉnh giới thiệu, đó là con đường do ông Tân tự mở để thuận tiện cho việc đi lại, nhất là vận chuyển thức ăn chăn nuôi và xuất bán nông sản. Trang trại chăn nuôi lợn của ông Tân không lớn, nhưng được bố trí hợp lý, hiện đại với hệ thống máng ăn, nước uống được đầu tư hàng chục triệu đồng và khu ao cá để tận dụng chất thải. Xung quanh trang trại là bạt ngàn cây ăn quả, cùng hơn bốn chục khóm măng bát độ xanh tươi.
Sinh năm 1954, quê gốc ở Thái Bình, năm 1967, ông Tân theo gia đình lên xã Tam Tiến khai hoang, lập nghiệp. Tháng 4-1972, ông lên đường đi bộ đội và tham gia chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, Lào. Đến năm 1976, ông được đơn vị cử đi học lớp kỹ thuật quốc phòng tại Bungari. Trong thời gian này, ông lập gia đình. Cuối năm 1987 ông Tân trở về địa phương hưởng chế độ bệnh binh mất sức 61%. Tuy sức khoẻ yếu, nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội qua nhiều cương vị như: Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tam Mỹ kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Tiến và hiện đang là Bí thư chi bộ bản Mỏ Trạng. Vừa tham gia công tác xã hội, nhưng trong ông vẫn trăn trở việc làm kinh tế cho gia đình và làm giàu cho bà con địa phương. Qua tham khảo sách báo và nhiều người giới thiệu, ông được biết đến một số mô hình nuôi lợn siêu nạc cho hiệu quả kinh tế cao. Vậy là vượt qua sự lo ngại, can ngăn của người thân và bạn bè, bởi đây là mô hình chăn nuôi mới tại địa phương, ông vẫn quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi giống lợn này. Từ nguồn vốn dành dụm và vay mượn được 20 triệu đồng, ông xây 6 ô chuồng để nuôi lợn và mua 20 con lợn nái siêu nạc tại Viện Chăn nuôi quốc gia về gây giống. Ông cho biết, đây là giống lợn có ngoại hình đẹp, dễ nuôi, thịt ngon, nếu chăm sóc tốt thì ít bị dịch bệnh; mỗi năm, đàn lợn đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 10-12 con. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", mỗi lần bán lợn con hay lợn thương phẩm, ông lại dành dụm tiền đầu tư mở rộng và hoàn thiện hệ thống chuồng trại; từ chỗ chỉ dùng phên tre để chắn cho lợn khỏi rét, đến nay lợn đã được nuôi trong khung sắt và có hệ thống máng ăn, nước uống tự động. Nhờ cần cù, chịu khó, tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nên đàn lợn nhà ông phát triển nhanh chóng; đến nay có 20 lợn nái và hàng trăm lợn con. Trung bình một năm gia đình ông xuất từ 20-25 tấn lợn hơi, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng. Tính riêng năm 2008, ông lãi gần 200 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở việc bán lợn thương phẩm, qua nhiều năm tự mày mò, học hỏi, ông Tân còn trực tiếp xuống Viện Chăn nuôi quốc gia mua lợn đực giống về nuôi cung cấp tinh lợn giống cho gia đình và bán cho người chăn nuôi địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đàn lợn; đồng thời đầu tư máy nghiền thức ăn chăn nuôi, kết hợp nuôi vài trăm con gà và hàng chục đàn ong lấy mật; phát triển vườn cây ăn quả với nhiều cây có giá trị như: na, bưởi, cam, khế, măng bát độ... Mô hình kinh tế tổng hợp của ông được nhiều người đến tham quan, học tập và đánh giá cao. Về kinh nghiệm nuôi lợn siêu nạc của mình, ông Tân cho biết: Làm gì cũng phải chuyên sâu thì mới thành; phải nắm chắc kỹ thuật nuôi, cần cù, tỉ mỉ, kiên trì; xác định địa điểm nuôi cũng rất quan trọng, chuồng lợn phải rộng rãi, thoáng mát, xa khu dân cư để hạn chế mầm bệnh, có hệ thống xử lý nước thải, tận dụng chất thải nuôi cá và xây hầm bioga...
Nhờ chăn nuôi lợn siêu nạc đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống của gia đình ông Tân. Từ chỗ là một hộ kinh tế còn nhiều khó khăn, đến nay gia đình ông đã có điều kiện mua sắm các vật dụng đắt tiền và nuôi hai con học đại học. Thành quả ấy đến từ óc suy nghĩ sáng tạo, sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của một người lính đã trải qua chiến tranh xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế".

Văn Thư
Theo: Báo Bắc Giang Online

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên