Phát triển nghề trồng nấm ở Lạng Giang
Lượt xem: 18  | Ngày đăng: 21/10/2024

Cùng với sự phát triển các sản phẩm đặc trưng khác, xã Tân Thanh cũng luôn chú trọng đến nghề trồng nấm, bởi trồng nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò và các loại nấm khác không khó và không vất vả như các loại cây trồng khác. Chỉ cần có nhà trồng nấm 100m2, có nhà lợp kín và xung quanh cần có lưới bao phủ để tạo ánh sáng và độ ẩm thích nghi. Đồng thời nắm vững quy trình kỹ thuật và các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường thì gia đình nào cũng có thể trồng được.

Từ việc trồng nấm đơn thuần như vậy, từ mười năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Bẩy  thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang gắn bó với nghề này và coi đây là nghề thu nhập chính của gia đình. Với hơn 300m2 trồng nấm sò, kết thúc một vụ thu hoạch, trừ chi phí lãi 150 triệu đồng.

Năm 2024, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang lựa chọn tham gia mô hình trồng nấm rơm chất lượng cao bằng nguyên liệu bông hạt. Gia đình tham gia làm với quy mô 16 tấn nguyên liệu bông hạt. Hơn chục ngày sau khi cấy giống, nấm rơm thu hoạch lần một và lần thu hoạch thứ hai cách khoảng 7 ngày sau. Tổng sản lượng nấm tươi hái được là 2 tấn, với giá bán giao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg trừ chi phí lãi trên 100 triệu đồng/vụ. Nhờ trồng trong nhà kín và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên mỗi năm trung bình sẽ quay vòng được 9 đến 10 đợt.

Chị Nguyễn Thị Bẩy đang thu hoạch nấm rơm

Chị Bẩy cho biết, sản phẩm nấm rơm đạt chất lượng cao nhờ sử dụng bông hạt chất lượng đảm bảo, xử lý nguyên liệu kỹ càng và các khâu chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho ra sản phẩm nấm rơm có năng suất cao hơn. Nếu xử lý không theo đúng quy trình sẽ cho ra sản phẩm bông hạt sau xử lý không đạt yêu cầu, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nấm rơm.

“Thay vì xử lý bằng nước vôi như thông thường thì chúng tôi được hướng dẫn sử dụng chất điều hòa PH Tiến Nông với thành phần định lượng rõ ràng (Canxi: 20%; Magie: 8%; độ ẩm: 4%) và được sản xuất từ các nguyên liệu giàu silic, hợp chất hữ cơ và các nguyên tố vi lượng. Nhờ đó, xử lý bông hạt nhanh chóng, ít tốn công sức và cho ra bông hạt đạt tiêu chuẩn cao để trồng nấm rơm”.

Độ ẩm không khí cũng là yếu tố quyết định trong sự sinh trưởng của nấm rơm. Độ ẩm trung bình ngoài môi trường khoảng 70%, nhưng trong nhà trồng nấm, điều chỉnh độ ẩm theo từng giai đoạn sinh trưởng. Trong giai đoạn nuôi sợi, độ ẩm được duy trì trên 70% và không vượt quá 80%. Trong khi đó, ở giai đoạn hình thành quả thể, độ ẩm duy trì trong khoảng 85-95%.

Đánh giá năng suất và chất lượng nấm rơm không chỉ phụ thuộc vào các tiêu chuẩn hình thức mà còn cần xem xét đến hiệu quả kinh tế và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Việc duy trì môi trường nuôi trồng phù hợp, bao gồm việc kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng, cùng với việc áp dụng đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng để đảm bảo đạt được năng suất và chất lượng tối ưu, chị Lê Thúy Anh- Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang cho hay.

Làm tơi bông hạt bằng máy tơi bông tại nhà chị Nguyễn Thị Bẩy

Kỹ thuật trồng nấm không quá phức tạp và đem lại hiệu quả cao nên nhiều người dân ở xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang đã chuyển sang nghề này. Cùng thôn Mải Hạ, gia đình anh Nguyễn Văn Yên, sau nhiều năm làm ăn đủ các nghề, gần chục năm trở lại đây anh quyết định đầu tư vào trồng nấm. Thực tế cho thấy, nghề trồng nấm vừa tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, tận dụng được lao động, nguồn vốn đầu tư không cao, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế lớn, thị trường tiêu thụ ổn định. Sau nhiều năm làm nấm anh Yên đã tham khảo và rút kinh nghiệm từ  những người làm trước nên khi đầu tư xây dựng gia đình xây dựng quy trình hiện đại hơn. Toàn bộ môi trường trồng nấm được vệ sinh khử trùng trước khi cấy giống đồng thời trong nhà nuôi trồng nấm rơm được lắp đặt quạt thông khí nhằm đảm bảo độ thông thoáng. Gia đình anh Yên có 1.800m2 nhà trồng nấm, sản phẩm chủ yếu là nấm sò và nấm rơm. Theo anh Yên, sản phẩm nấm rơm tươi đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao nên gia đình có dự định mở rộng thêm một khu trồng nấm.

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang cho biết, để duy trì nghề trồng nấm trên địa bàn chúng tôi đã làm tốt công tác tuyên truyền đến bà con nông dân cùng phối kết hợp để thành lập Hợp tác xã và các tổ hợp tác để bà con cùng trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đối với huyện Lạng Giang, cây nấm cũng đã có thương hiệu, còn riêng đối với xã Tân Thanh một số hộ có sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Trong thời gian tới tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP với các hộ còn lại.

Được biết, đến nay huyện Lạng Giang có 25 sản phẩm chủ lực đặc trưng. Hầu hết các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP đã có mặt trên thị trường tiêu thụ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn huyện có 30 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Nhóm sản phẩm đặc sản địa phương cũng là định hướng phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Lạng Giang nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình mỗi xã một sản phẩm.

Thời gian qua, huyện Lạng Giang đã chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa những sản phẩm chủ lực khi triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện khuyến khích phát triển các hình thức sản xuất nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ theo chuỗi giá trị nhằm phát huy sức sáng tạo và nội lực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh, khuyến khích sản xuất thành vùng tập trung với quy mô lớn, tạo thuận lợi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ, gắn liên kết sản xuất,bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao năng xuất, hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy đến nay huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao như vùng rau chế biến, rau an toàn, vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung, vùng sản xuất các loại nấm. Nhiều sản phẩm đã xây dựng thương hiệu hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bài, ảnh: Hương Giang
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên