TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Nuôi cá lồng là hình thức nuôi cá năng suất cao, phù hợp với địa hình sông, suối, hồ chứa nước với các vật liệu dễ kiếm tại địa phương. Tuy nhiên để nuôi có hiệu quả cao cần lưu ý về cách chọn giống, kỹ thuật thiết kế lồng và mật độ thả giống phù hợp.
1. Giống
- Có thể chọn những loài cá ăn trực tiếp như cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép, cá lăng, cá chiên… Những loài cá không nên nuôi trong lồng như cá mè hoa, mè trắng, cá trôi.
- Yêu cầu cá có kích cỡ đều, không bị xây xát, không dị tật, không bị bệnh.
2. Kỹ thuật thiết kế lồng
2.1. Có thể sử dụng các loại lồng làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như gỗ, tre, lưới, sắt…
* Lồng gỗ hoặc lồng tre có kích thước 3,5 m x 2,3 m x 1,5 m. Lồng được làm bằng gỗ hoặc tre, hóp tốt, có thanh chắn được sắp xếp theo hàng ngang để dễ khi thay thế với độ dày khoảng 1-2 cm.
* Lồng làm bằng lưới
Sử dụng lưới tổng hợp, có độ bền cao. Kích thước lồng 2 mx2 mx1,5 m;
mắt lưới 13-20 mm. Lồng có nắp đậy bằng lưới và được buộc cố định vào cọc và khung lồng tại các góc lồng.
2.2. Vị trí đặt lồng
Lồng được đặt ở nơi có vị trí nước sạch, không nên đặt lồng ở gần cống, mương thoát nước, khu giết mổ… Khoảng cách giữa đáy lồng và đáy hồ từ 3 m trở lên, khoảng cách giữa các lồng ít nhất 10-15 m. Nếu đặt lồng theo cụm thì khoảng cách giữa các cụm ít nhất là 50 m-200m.
3. Mật độ, quy cỡ và thời vụ thả
- Mật độ thả khá cao, có thể lên tới 20-30 kg cá giống/m3. Nên thả cá giống lớn vì thời gian nuôi ngắn và tập trung. Trung bình cá trắm cỏ khoảng 200g-500g, cá chép 50-70g; cá rô phi 30-40g…
- Thời vụ: Thường thả sau mùa đông khi thời tiết ấm dần khoảng tháng 2-3.
Không thả vào mùa nước lũ tháng 9, 10 để tránh rủi ro.
4. Chăm sóc
Đối với cá trắm cỏ có thể cho ăn bằng thức ăn chế biến, các loại phụ phẩm hoặc các loại cây cỏ, chú trọng thức ăn xanh như thân cây chuối, bèo tấm, khoai lang… với lượng thức ăn khoảng 30% khối lượng cá/ngày. Đối với cá chép, cá rô phi ăn bằng thức ăn chế biến, lượng thức ăn bằng 4 -6% khối lượng cá/ngày. Có thể là thức ăn tự chế hoặc dạng viên. Nên ăn 2 lần/ngày vào sáng và chiều, không nên cho ăn đêm.
5. Thu hoạch
Sau 6-8 tháng có thể tỉa cá lớn và thu toàn bộ cá vào cuối vụ.
6. Tu sửa lồng
Sau thu hoạch cần phơi lồng dưới nắng trong vài ngày, rửa sạch rêu và các vết bẩn bám quang lồng. Trước khi nuôi tiếp cần tu sửa, gia cố lồng chô chắc chắn, sau đó dùng vôi quết lên thành lồng cho khử trùng và phơi khô khoảng 1-2 ngày. Khi đưa lồng xuống nước, trước khi thả cá 3-5 ngày cần cọ sạch sẽ lồng để nâng cao hiệu quả.
Bài: Hoàng Minh