Bắc Giang: Chiến lược phát triển Trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 164  | Ngày đăng: 15/07/2024

Phát triển Trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đó là mục tiêu chung trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vừa được UBND tỉnh ban hành.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2-3%/năm; đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 100% diện tích chuyên lúa; diện tích cây ăn quả được áp dụng tưới tiết kiệm đạt 20%; tỷ lệ diện tích sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn (GAP và tương đương) đạt 10-15%; tỷ lệ diện tích trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ đạt 1%; giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150-160 triệu đồng.

Tầm nhìn đến năm 2050, các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo chuỗi liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Chủ động tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm phát triển sản xuất gắn với hiện đại hóa, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để  đạt được các mục tiêu, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ chủ yếu đó là cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng có lợi thế của từng vùng, địa phương theo các nhóm sản phẩm. Trong đó, một số cây trồng chính như cây lúa: diện tích lúa gieo cấy hàng năm đạt khoảng 90.000 ha, sản lượng 558.000 tấn (trong đó: lúa chất lượng đạt 55.000ha, sản lượng 357.500 tấn). Rau các loại, diện tích gieo trồng khoảng 28.000ha, sản lượng 554.400 tấn. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, đa dạng hóa chủng loại với từng nhóm rau (rau ăn lá, rau ăn quả, củ...). Cây vải, duy trì diện tích khoảng 29.700 ha, sản lượng 160.000 - 180.000 tấn; diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 21.000 ha, sản lượng 153.300 tấn. Cây chè, duy trì diện tích chè toàn tỉnh 400ha, sản xuất tập trung khoảng 350ha tại huyện Yên Thế. Cây na, duy trì ổn định diện tích 2.100 ha, sản lượng 16.000 tấn; diện tích tập trung tại huyện Lục Nam. Cây cam, duy trì ổn định diện tích khoảng 3.000- 3.500 ha, sản lượng khoảng 35.000 - 40.000 tấn; diện tích tập trung tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam. Cây bưởi, duy trì ổn định diện tích 5.300 ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn; diện tích tập trung tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hoà…

Phát triển sản xuất Trồng trọt theo hướng bền vững và gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất trồng trọt theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm bản địa có lợi thế của các địa phương…

Bên cạnh đó, Kế hoạch đặt ra các giải pháp cần triển khai thực hiện như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về vai trò, tầm quan trọng của trồng trọt với các giá trị kinh tế, môi trường và ổn định xã hội; nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực trồng trọt; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt; sản xuất tuần hoàn, sản xuất bền vững. Đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh. Phát triển thị trường nông sản qua việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến địa phương, doanh nghiệp, người dân về mã số vùng trồng, các quy định của các nước nhập khẩu nông sản lớn của ta như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,... Thúc đẩy chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh trồng trọt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Xây dựng và quảng bá nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đặc biệt là mô hình tổ chức sản xuất mới: mô hình sản xuất áp dụng  VietGAP, mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ; mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi; mô hình nông nghiệp thông minh, tuần hoàn; sản xuất kết hợp du lịch sinh thái...

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức triển khai, theo dõi việc thực hiện Kế hoạch; xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh hàng năm và theo yêu cầu; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

Tin: Kim Lan
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên