TRANG CHỦ
GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
TƯ VẤN, HỎI ĐÁP
THƯ VIỆN
Trong sản xuất nông sản, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.
Xác định được vai trò quan trọng đó, vụ Mùa hàng năm, huyện Tân Yên đã quan tâm, chú trọng tăng cường đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân trên địa bàn. Nhờ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất, đồng thời tạo sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.
Với sự vào cuộc tích cực và sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn đã chủ động mời gọi doanh nghiệp có uy tín vào địa bàn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng hàng hóa tập trung; đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã tích cực phối hợp với UBND các xã, ban điều hành thôn tổ chức sản xuất, mở rộng vùng sản xuất cây rau màu hàng hóa có giá trị, có hợp đồng tiêu thụ cho nông dân đã giúp cho công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong vụ Mùa đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, gần nhất là vụ Mùa năm 2023, huyện Tân Yên tiếp tục duy trì vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung diện tích 1.000 ha với quy mô 5 ha/vùng tại các xã Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Lam Cốt, Song Vân, Ngọc Vân, Liên Chung, Đại Hóa, Lan Giới, Phúc Sơn, Việt Lập, Liên Sơn, Quang Tiến,… Sản xuất các giống lúa chất lượng như TBR225, VNR20, hương thơm, Bắc Thơm, Đài thơm 8… có liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Giá trị sản xuất đạt trên 45 triệu đồng/ha/vụ, tăng 12% so với sản xuất đại trà.
Về sản xuất rau quả chế biến, rau quả thực phẩm, huyện phối hợp với Công ty CP rau quả chế biến xuất khẩu GOC tiếp tục duy trì nhân rộng mô hình tích tụ đất tại xã Ngọc Thiện sản xuất dưa chuột, ớt xuất khẩu có liên kết và tiêu thụ sản phẩm, quy mô 15 ha, giá trị sản xuất đạt 200 - 220 triệu đồng/ha/vụ. Chỉ đạo HTX Nông nghiệp Minh Quang, Minh Tân liên kết với các tổ, nhóm hộ sản xuất dưa sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các xã Cao Xá, Lan Giới, quy mô trên 30 ha, hợp đồng với giá ổn định; giá trị sản xuất đạt 150 triệu đồng/ha/vụ. Đối với sản xuất ớt xuất khẩu, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp Vinh Quang, HTX nông nghiệp Minh Tâm triển khai tổ chức liên kết sản xuất ớt xuất khẩu tại các xã Ngọc Thiện, Ngọc Lý, Tân Trung và Cao xá có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giá trị sản xuất đạt 200- 240 triệu đồng/ha/vụ.
Bên cạnh đó, Tân Yên tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao hiệu sản xuất tại 29 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình sản xuất dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột baby, bí Hàn Quốc trên địa bàn xã Liên Sơn, Ngọc Lý, Phúc Sơn, Song Vân, Quang Tiến, Ngọc Châu cho sản lượng trung bình 23 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt trên 600 triệu đồng/ha/vụ/năm, cao hơn gấp 3-4 lần so với sản xuất thông thường. Sản phẩm dưa được các tổ chức, cá nhân liên kết tiêu thụ tại thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Từ những kết quả đã đạt được, vụ Mùa 2024, huyện Tân Yên tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng lúa tại các vùng sản xuất tập trung quy mô trên 5 ha/vùng sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Duy trì, mở rộng, nâng cao hiệu quả đối với mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì, mở rộng vùng sản xuất rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 35 ha tại các xã Ngọc Lý, Ngọc Thiện, Song Vân, Lan Giới và Đại Hóa có liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới, huyện tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Nâng cao chất lượng hoạt động các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt khâu quản lý, tổ chức sản xuất, định hướng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện tốt nhất để HTX, tổ hợp tác tích tụ đất, đầu tư sản xuất, từng bước hình thành vùng nguyên liệu đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, dịch vụ của HTX đảm bảo uy tín với nông dân và doanh nghiệp; làm cầu nối trung gian tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời, tạo điều kiện để các HTX có thể tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay; đầu tư cơ sở vật chất, chủ động đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm an toàn đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.