Làm giàu từ nuôi động vật hoang dã
Lượt xem: 211  | Ngày đăng: 10/12/2021

Sau hơn 10 năm nuôi động vật hoang dã, đến nay trang trại của ông Nguyễn Văn Chiến, thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh (Lạng Giang) đã có đủ loại nhím, lợn rừng, tắc kè, dế… mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng.


Ông Chiến bên đàn nhím và tắc kè của gia đình.

Tới thăm trang trại của ông, chúng tôi như lạc vào rừng vải thiều xanh tốt đã hơn chục năm tuổi. Theo ông Chiến thì gần 3 ha vải thiều mỗi năm thu về 40 tấn quả cũng không nhằm nhò gì so với vài chục mét vuông chăn nuôi con đặc sản như nhím, lợn rừng, tắc kè… mà ông đã và đang nuôi tại trang trại.
Năm 1998, ông Chiến mua vài cặp nhím về nuôi thử nghiệm. Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, ông đã phát triển đàn nhím ngày một đông và trở thành cơ sở chuyên cung cấp nhím giống uy tín cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhím là con vật dễ nuôi, ít bệnh tật, chi phí thức ăn chỉ 3 nghìn đồng/con/ngày, chủ yếu là rau, củ, quả không phải nấu nướng và không mất nhiều thời gian chăm sóc. Một con nhím mẹ trung bình mỗi năm đẻ 2 con, sau hai tháng tuổi, một đôi nhím giống có giá 11 triệu đồng. Mấy năm gần đây, trang trại của gia đình không chỉ cung cấp con giống mà còn xuất bán cả nhím thịt (mỗi năm khoảng 100 kg) với giá từ 500 nghìn đồng tới 550 nghìn đồng/kg. Tính ra kể cả bán giống và nhím thịt, trừ chi phí mỗi năm cũng thu về từ 200 triệu đến 300 triệu đồng.
Khu chăn nuôi của gia đình được quy hoạch rất khoa học, cả một dãy chuồng nuôi nhím chạy dài được xây lát sạch sẽ, chia thành từng ô rộng, phía trong tạo hầm cho nhím trú, bên ngoài có khoảng sân để nhím tắm nắng. Theo ông, cách bố trí chuồng trại như vậy rất khoa học bởi vừa thoáng mát, sạch sẽ lại có nơi kín đáo, tạo cho nhím môi trường sống tốt và phát triển nhanh. Cách một quãng không xa là khu chuồng nuôi lợn rừng, 2 con lợn giống mua với giá 300 nghìn đồng/kg đang cày ủi đất, mỗi con nặng khoảng 40 kg, tương lai sẽ là nơi cung cấp giống lợn rừng thuần chủng cho thị trường. Kế bên là 3 dãy nhà xây kín đáo có tổng diện tích 150 m2, xung quanh quây lưới ni-lông. Đây là nơi ông nuôi nhốt tắc kè. Năm 2006 ông mua 30 con giống, vừa nuôi ông vừa nghiên cứu, quan sát kỹ từ cách ăn, nghỉ, sinh sản của loài động vật này và ông đã phát hiện ra một số đặc tính như: tắc kè chỉ ăn thức ăn động, ăn một lần có thể nghỉ không ăn 2-3 ngày. Khi chúng ăn không phát hiện được đồng loại nên rất dễ đớp cả con, thậm chí cả đuôi hoặc chân con khác đang cựa quậy. Tắc kè cũng rất dễ bị bệnh, khi mắc bệnh chúng thường lờ đờ, không ăn, gầy còm. Tắc kè thường sinh sản theo mùa vào tháng 6, 7, 8, mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa từ 1-2 quả trứng. Biết được những đặc điểm trên, cùng với thực tế kiểm nghiệm, ông Chiến đã nắm được 80% kỹ thuật nuôi. Nhờ đó, sau 3 năm đàn tắc kè phát triển tới hơn 1.000 con. Với giá khoảng 120 nghìn đồng/con, ông có hơn 120 triệu đồng. Điều băn khoăn nhất của ông là chưa tìm ra cách phòng, chữa bệnh hiệu quả cho tắc kè. Vì thế ông đang tiếp tục liên hệ với các nhà khoa học nghiên cứu cách chữa bệnh, bảo đảm cho tắc kè phát triển tốt.
Ông Chiến cho biết thêm, tháng 5-2009, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định cho thành lập Hội gây nuôi, thuần dưỡng, phát triển động vật hoang dã tỉnh Bắc Giang. Hội có gần 100 hội viên do ông làm Chủ tịch Hội. Đây thật sự là niềm vui của những người ham mê chăn nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh bởi đã có một tổ chức tập hợp để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chăm sóc, phòng, chữa bệnh cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm vật nuôi, tạo ra phong trào nuôi động vật hoang dã ngày càng phát triển mạnh, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Theo: www.bbs.org.vn

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên