Sản phẩm OCOP- Nâng cao vai trò, vị thế của nông sản Bắc Giang
Lượt xem: 461  | Ngày đăng: 20/11/2023

Qua 5 năm triển khai, chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó góp phần chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

Kết quả đạt được

Hiện, toàn tỉnh có 255 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở  lên  gồm, 31 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 224 sản phẩm OCOP 3 sao.Trong đó, có 01 sản phẩm có tiềm năng 5 sao cấp quốc gia là sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn của HTX  Hồng Xuân, huyện Lục Ngạn, hiện đang được Hội đồng OCOP Trung ương đánh giá, chấm điểm, phân hạng và 01 sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa Bản Ven của HTX Thân Trường, huyện Yên Thế.

10/10  huyện, thành phố đều có sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, huyện có nhiều sản phẩm nhất là Lục Ngạn có 40 sản phẩm (10  sản phẩm 4 sao; 21 sản phẩm 3 sao), thấp nhất là huyện Sơn động có 7 sản phẩm được công nhận (07 sản phẩm 3 sao).

Về phân nhóm sản phẩm: thực phẩm 223 sản phẩm (chiếm 87,5%); đồ uống 29 sản  phẩm (chiếm 11,3%); dược liệu 02 sản phẩm (chiếm 0,8%) và Dịch vụ du lịch  cộng  đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 01 sản phẩm (Chiếm 0,4%).

Về chủ thể: tổng số có 154 chủ thể, gồm 118 HTX (chiếm 76,6 %), 10 doanh  nghiệp  (chiếm 7,8%), 14 cơ sở sản xuất (chiếm 15,6%). Trong đó, có nhiều chủ thể là thanh  niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân.

Động lực phát triển

Các sản phẩm được công nhận OCOP cơ bản mang tính đặc trưng, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, của các làng nghề, làng nghề truyền thống, như: Mỳ Chũ, Mỳ Châu Sơn, Rượu Vân, Bún Đa Mai, Gà đồi Yên Thế, Vải thiều Lục Ngạn, Vải sớm Phúc Hòa, Vú sữa Hợp Đức, Đông trùng hạ thảo… Các sản phẩm đều có đầy đủ  những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như  ISO 22000; HACCP;  VietGap; Global Gap… Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp  ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp: sản phẩm của Công ty Cổ phần XNK VIFOCO xuất sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty Cổ  phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất sang Pháp; các sản phẩm Giấm của Công  ty TNHH thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; Bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật  Bản, Úc…Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Sản phẩm được công nhận OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn, tác động tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đồng thời nâng cao vị thế, vai trò của nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm được công nhận OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh

Tổng kinh phí thực hiện các nội dung Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn  2018-2023 là 16.809,898 triệu đồng (bình quân 2,8 tỷ đồng/năm). Trong đó, từ năm 2018-2023 đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho 1.570 học viên, trong đó: 12 lớp, gồm 965 học viên là các chủ thể có sản phẩm tham gia chu trình OCOP và 08 lớp, cho 605 học viên là cán bộ quản lý chương trình OCOP từ xã đến tỉnh. Với các nội dung tập huấn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và căn cứ vào nhu cầu thực tế của tỉnh. Quá trình tập huấn ưu tiên hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình và hướng dẫn chuyên sâu các chuyên đề về phát triển sản phẩm, đánh giá phân  hạng sản phẩm, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng hồ sơ  sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến thương mại...

Để giúp các chủ thể sản xuất xây dựng, phát triển, hoàn thiện sản phẩm OCOP Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ phát triển sản phẩm cho 89 lượt chủ thể (trên 100 sản phẩm). Nội dung hỗ trợ bao gồm kiểm nghiệm sản phẩm; bao bì, nhãn mác sản phẩm; truy xuất nguồn gốc; bảo hộ nhãn hiệu,...

Xúc tiến thương mại

Công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được quan tâm. Giai đoạn 2019-2023 đã hỗ trợ cho trên 100 lượt HTX, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia hội chợ, triển lãm, diễn đàn, sự kiện kết nối cung cầu, trong đó có các sự kiện quy mô lớn do Bộ Nông nghiệp và PTNT, các tỉnh, thành phố tổ chức như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hòa Bình, Khánh Hòa,… Qua đó đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP cũng như hình ảnh của tỉnh Bắc Giang tới khách hàng trong và ngoài nước; Bên cạnh đó hoạt động xúc tiến thương mại điện tử cũng được các cấp, các ngành, chủ thể đặc biệt chú trọng, quan tâm duy trì thường xuyên.

Hỗ trợ xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện Yên Thế, Lục Nam, Việt Yên và TP Bắc Giang. Qua đó, tăng sự hiện diện của sản phẩm OCOP trên thị trường, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Để có được kết quả nổi bật trên, Chương trình OCOP được sự quan tâm chỉ đạo sát  sao của Tỉnh  ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm vào cuộc của các sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu hoàn thiện sản phẩm của các chủ thể. Bên cạnh đó, có sự chỉ đạo quyết liệt tích cực của cơ quan chuyên môn, sự đồng thuận của xã hội nên việc triển khai, thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi. Từ đó, Chương trình OCOP đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà cả ở vùng sâu, vùng xa, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Qua  đó, nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền  địa phương và người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.

Bên cạnh kết quả đạt được, sau 5 năm thực hiện Chương trình OCOP cũng gặp những khó khăn, hạn chế như: Sản phẩm  chủ yếu ở dạng sơ chế, ít có sản phẩm chế biến sâu  (khoảng 10%); chưa có sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao (đến nay tỉnh Bắc Giang có 01 sản phẩm vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đang được Hội đồng OCOP trung ương đánh giá, phân hạng); số sản phẩm 4 sao có xu hướng giảm (năm 2023 dự kiến có khoảng 90 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, trong đó có 7 sản phẩm  có tiềm năng 4 sao, chiếm khoảng 8%); nhiều sản phẩm có xu hướng không tiếp tục  tham gia đánh giá lại do chưa nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình OCOP…

Phát triển sản phẩm

Trong giai đoạn tới việc phát triển sản phẩm OCOP chính là giải pháp để khơi dậy tiềm năng, lợi thế to lớn của các địa phương, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao giá trị nông sản ở  nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời giảm áp lực trong việc tiêu thụ sản phẩm tươi sống. Do đó, cần có một chính sách đủ mạnh để khích lệ người dân khai thác các lợi thế của địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị  gia tăng cao và để bù đắp được một phần chi phí trong quá trình phát triển, hoàn thiện sản phẩm.

Để khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh đang dự thảo mức hỗ trợ theo dự thảo Nghị quyết (khoảng 40% chi phí ước tính), mỗi năm ngân sách nhà nước bố trí thực hiện Nghị quyết khoảng 5,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh khoảng 2,7 tỷ đồng/năm, hỗ trợ cho các sản phẩm 4 sao và 5 sao; ngân sách cấp huyện khoảng  2,7  tỷ  đồng/năm, hỗ trợ cho sản phẩm 3 sao. Với mức chi từ ngân sách như trên, việc thực hiện chính sách hoàn toàn có tính khả thi sẽ là động lực khích lệ các chủ thể sản xuất khai thác các lợi thế của địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm OCOP có giá trị cao.

Bài, ảnh: Hương Giang
Các tin bài khác:

TRANG VIDEO
Bứt phá nông nghiệp Bắc Giang
Ngày: 03-12-2021 12:12
  • Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất lúa vụ Chiêm Xuân

    Ảnh 1: Dược mùa nhờ sử dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất...

  • Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

    Mô hình nuôi thâm canh cá chim trắng tại xã An Dương - Tân Yên

  • Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

    Đặc sản Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang

  • Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên

    Trình diễn máy cấy lúa Kubota tại xã Quang Tiến - Tân Yên